Chúng ta hãy cùng xem xét những lý do đằng sau của chủ đề khá phổ biến, nhưng đôi khi lại khiến ta rất khổ tâm này. Qua đó, chúng tôi hy vọng nó sẽ giúp các bạn đọc có thể cải thiện bản thân hơn, cũng như mối quan hệ với những người xung quanh mình!
- Chúng ta bị cảm xúc kiểm soát
Khi chúng ta tin tưởng sâu sắc vào một điều gì đó hoặc quan tâm đến một chủ đề nào đó, chúng ta khó có thể giữ được cảm xúc của mình về nó cho riêng mình. Và khi ai đó cố thuyết phục chúng ta rằng ý kiến trái ngược lại mới là đúng, chúng ta có thể sẽ bùng nổ. Bởi vì cảm xúc quá mạnh, chúng ta đôi khi cảm thấy khó mà lý trí và logic được, ngay cả khi sâu bên trong chúng ta biết rằng mình đã sai.
- Chúng ta thấy mình yếu đuối
Là một người luôn luôn đúng có thể thúc đẩy sự tự tin của chúng ta và thậm chí khiến chúng ta cảm thấy mình mạnh mẽ hơn. Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, việc này có thể khiến chúng ta coi việc xin lỗi như là một dấu hiệu của sự yếu đuối. Một loại cảm xúc khó chịu khác, đó là cảm giác bị sỉ nhục, càng khiến cho niềm tin này gia tăng thêm. Tuy nhiên, trên thực tế, việc nói ra rằng bạn xin lỗi, phải cần đến rất nhiều sự can đảm và sức mạnh tinh thần từ bên trong.
- Chúng ta không muốn mình trông có vẻ như vô dụng
Điều này sẽ đặc biệt dễ thấy hơn nếu chúng ta có một số quyền hạn và được giao phụ trách nhiều người. Trong trường hợp này, chúng ta không thể cho phép mình mắc bất cứ sai lầm nào hoặc cho mọi người thấy rằng chúng ta đã phạm phải lỗi gì đó. Nếu không, chúng ta sẽ trông có vẻ như không phù hợp với vai trò lãnh đạo mà mình đang đảm nhận. Nhưng trên thực tế, mọi người sẽ mất đi sự tôn trọng đối với một vị lãnh đạo từ chối thừa nhận sự thật rằng đôi khi chính mình có thể mắc sai lầm.
- Chúng ta sợ hãi trách nhiệm
Một số người tiếp tục phủ nhận mình đã sai vì họ tin vào một logic đơn giản. Nếu không thừa nhận mình đã làm gì sai, thì không cần phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào về sự việc đó. Họ sợ những hậu quả mà hành động của họ có thể gây ra. Vì vậy, lựa chọn duy nhất mà họ nhìn thấy là che đậy nó bằng cách này và hy vọng vận may sẽ xảy ra.
- Chúng ta cứng đầu và không muốn là người đầu tiên chịu thua
Đôi khi chúng ta khó thừa nhận lỗi lầm vì những nguyên tắc cố chấp và cái tôi của mình, ngay cả khi thật ra chúng rất phi logic. Chúng ta biết rằng chúng ta đã sai và hành động của mình có thể đã làm tổn thương ai đó. Nhưng đồng thời, chúng ta không thể chịu đựng nổi cái ý nghĩ phải thừa nhận điều đó, bởi vì một nguyên tắc kỳ lạ của mình: Không muốn là người đầu tiên “chịu thua”. Thay vào đó, chúng ta đợi người kia từ bỏ và xin lỗi trước, ngay cả khi đó không phải lỗi của họ.
- Chúng ta muốn mọi thứ phải hoàn hảo
Xã hội đôi khi có thể thúc đẩy chúng ta phải trở nên hoàn hảo trong tất cả mọi thứ: về ngoại hình, lựa chọn và cả ý kiến của chúng ta. Suy nghĩ này mắc kẹt trong tâm trí chúng ta đến mức chấp nhận sai phậm và lỗi lầm của bản thân có thể khiến chúng ta thấy bất an. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến những người ở xung quanh chúng ta, bởi vì chúng ta dễ trở nên bướng bỉnh và cố gắng làm mọi thứ để tỏ ra hoàn hảo trước mắt họ.
Những lợi ích khi thừa nhận sai lầm
- Cải thiện tinh thần của bạn: Chấp nhận rằng mình đã sai cũng có nghĩa là bạn đã trưởng thành và trở nên mạnh mẽ hơn.
- Bạn học được nhiều điều từ nó: Những thất bại là cần thiết cho chúng ta, vì chúng mang lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quan trọng và giúp chúng ta xác định được điểm mạnh và điểm yếu của mình. Thông biết được về những thiếu sót của mình, chúng ta có thể tìm ra cách sửa chữa chúng và tiến bộ hơn.
- Bạn xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với người khác: Bằng cách thừa nhận sai lầm, bạn khiến cho những người xung quanh thấy rằng bạn có thể thấu hiểu và thông cảm với họ, đồng thời bạn cũng có khả năng phân tích hành động của mình. Ngoài ra, bạn cho họ thấy rằng bạn không phải người hoàn hảo và cần có sự hỗ trợ từ mọi người xung quanh. Và họ sẽ rất vui lòng để giúp đỡ bạn!
- Nó mang lại sự tin tưởng cho các mối quan hệ của bạn: Khi người khác nhìn thấy rằng bạn trung thực với bản thân và với những người xung quanh, bằng cách thừa nhận những khiếm khuyết của bạn, họ sẽ càng tin tưởng bạn hơn. Trên thực tế, họ thậm chí sẽ ngưỡng mộ bạn vì bạn đã làm được điều này, tôn trọng và muốn học hỏi từ bạn.
BONUS: Cách để thừa nhận mình sai
- Phân tích bản thân: Để hiểu rõ hơn về hành vi này của mình, hãy cố gắng nhìn vào bên trong bản thân và tìm ra lý do đằng sau sự từ chối thừa nhận của bạn. Bạn có thể lập một danh sách các câu hỏi khác nhau như: "Tôi có thấy sợ hãi không?" hoặc "Tôi có cảm thấy mình yếu đuối không?" và cố gắng thành thật trả lời chúng.
- Nhờ người khác giúp đỡ: Nếu bạn cảm thấy tự mình khó tìm ra được câu trả lời, bạn có thể nhờ người thân giúp đỡ mình phân tích tình trạng. Đôi khi, những người khác có thể nhận ra khiếm khuyết của bạn tốt hơn bản thân bạn.
- Đừng sợ bị góp ý: Hãy cố gắng kiểm soát cảm xúc bản thân khi ai đó cho bạn lời khuyên về làm thế nào để cải thiện mình. Góp ý mang tính xây dựng giúp chúng ta phát triển và giúp chúng ta nhận ra “điểm mù” của mình.
- Làm việc với nhà trị liệu: Nếu bạn cảm thấy vấn đề này làm phiền đến bạn và những người xung quanh quá nhiều hay bạn gặp khó khăn để giải quyết nó, bạn có thể tìm đến một nhà tâm lý học. Sự giúp đỡ của chuyên gia có thể là một hướng dẫn tốt để hiểu bản thân hơn và cải thiện cuộc sống của bạn.
Bạn có cảm thấy mình khó nhận lỗi trước mặt người khác không?