Không chỉ người mẹ, trẻ sơ sinh cũng phải đối mặt với nhiều hiểm họa không ngờ khi chào đời.
Gãy xương đòn
Đây là hiểm họa thường gặp trong các ca sinh khó. Theo thống kê của Tạp chí The International Medical Journal of Malaysia năm 2017, tỷ lệ gãy xương đòn sơ sinh chiếm 0,2% đến 3,5% tổng số ca sinh và chiếm 0,05% ca sinh mổ.
Trẻ sơ sinh thường bị gãy xương đòn khi cân nặng trên 4 kg, đường âm đạo của sản phụ hẹp so với kích thước của thai nhi. Trẻ bị gãy xương đòn lúc vừa sinh thường có dấu hiệu:
- Quấy khóc nhiều mỗi khi vận động tay hoặc vai bên xương bị gãy.
- Vai bên xương gãy có thể thấp hơn bên đối diện.
- Không cử động được tay bên xương bị gãy vì bị liệt rối dây thần kinh cánh tay.
- Vùng da xương đòn bị gãy có bầm hoặc sưng.
Để phát hiện trẻ bị gãy xương đòn, các bác sĩ phải chỉ định chụp X-quang ngực phẳng. Tình trạng gãy xương đòn ở trẻ sơ sinh là lành tính nhưng nếu không phát hiện kịp thời có thể khiến sẹo xương gồ lên. Thông thường, theo thời gian, cơ thể trẻ sẽ tự điều chỉnh, xương đòn bị gãy sẽ tự lành sau 10-14 ngày.
Nhiễm trùng sơ sinh
Trẻ sơ sinh thường bị nhiễm trùng trong quá trình phát triển hoặc 4 tuần đầu tiên khi vừa chào đời. Hiểm họa này có thể do lây nhiễm từ mẹ sang con trong khi sinh hoặc hậu sản, thời gian chuyển dạ kéo dài, dụng cụ y tế không được vô trùng.
Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng thường mắc các bệnh như HIV, viêm gan B và sốt rét nên khó phát hiện khi vừa chào đời. Nguy cơ nhiễm trùng ở trẻ sinh non hoặc nhẹ cân cao hơn những trường hợp bình thường. Đây là nhóm bệnh gây tử vong cao.
Để tránh nhiễm trùng ở sơ sinh, người mẹ cần khám thai đều đặn, tiêm chủng Rubella, uốn ván và điều trị dứt điểm các bệnh lý trước khi mang bầu. Ngoài ra, trẻ vừa chào đời cần được vệ sinh da, rốn, mắt sạch sẽ hàng ngày. Cha mẹ nên rửa sạch tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi chăm sóc hoặc chạm vào con.
Đột tử
Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ từ một tháng tuổi đến một năm tuổi. Đây là căn bệnh hiếm gặp nhưng tỷ lệ gây tử vong rất cao.
SIDS khiến trẻ sơ sinh chết đột ngột mà không có bất kỳ cảnh báo nào. Tình trạng này thường xảy ra khi trẻ đang ngủ và khó xác định nguyên nhân. Các bác sĩ nghiên cứu cho thấy yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc SIDS là do trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc, nằm úp và thân nhiệt cao khi ngủ. Trẻ sinh non và nhẹ cân cũng tăng nguy cơ gặp SIDS.
Để hạn chế tình trạng này, cha mẹ nên đặt bé nằm ngửa khi ngủ, hạn chế ảnh hưởng đến đường hô hấp, giữ nhiệt độ mát vừa phải, mặc quần áo thoải mái.
Ngạt sơ sinh
Ngạt sơ sinh là bệnh lý thường gặp ở thai nhi chuẩn bị chào đời do thiếu oxy kéo dài. Khi bị ngạt, nhiều trẻ có thể sống sót nhưng sẽ bị tổn thương não, gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tâm thần.
Lý do gây tình trạng này là người mẹ giảm huyết áp hoặc những can thiệp gây giảm lưu lượng máu đến não của trẻ. WHO ước tính hàng năm có 4 triệu trẻ sơ sinh tử vong vì ngạt thở trong quá trình đỡ đẻ.
Để hạn chế tình trạng này, các bà mẹ nên đến cơ sở y tế ngay khi cơ thể có biểu hiện chuyển dạ. Các cán bộ y tế cần theo dõi đúng quy trình, quan tâm đến các cơn co thắt tử cung và nghe tim thai thường xuyên.
Sặc nước ối
Nước ối đóng vai trò như lớp màng bảo vệ thai nhi khỏi nguy hiểm. Cho đến trước khi sinh, bọc nước ối sẽ chuyển từ vàng nhạt sang trắng đục. Tuy nhiên, khi chuẩn bị ra đời, một số trẻ có thể bị sặc nước ối.
Trẻ bị sặc nước ối có thể dẫn tới liệt chi, động kinh, xuất hiện chứng đầu nhỏ hoặc gây chậm phát triển tinh thần, rối loạn giác quan và suy hô hấp. Để ngăn chặn hiểm họa này, bà mẹ nên khám thai thường xuyên để phát hiện những bất thường kịp thời.