Theo Bệnh viện K, ung thư đại trực tràng thường gặp ở những người trên 50 tuổi, tuy nhiên tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng trong nhiều năm gần đây tăng nhanh ở giới trẻ. Tại Bệnh viện K, căn bệnh này đã được chẩn đoán ở cả những bệnh nhân 20 tuổi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị, phần lớn người dân nên bắt đầu tầm soát ung thư đại trực tràng sau tuổi 45. Bạn có thể tầm soát qua một số phương pháp khác nhau, nhưng Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho rằng nội soi đại tràng là "tiêu chuẩn vàng để sàng lọc" ung thư đại trực tràng.
Theo Huff Post, với tỷ lệ mắc bệnh ung thư đại trực tràng ngày càng gia tăng ở người trẻ, nhiều người không nên đợi đến 45 tuổi mới nội soi đại tràng lần đầu tiên. Một số triệu chứng, tiền sử sức khỏe cá nhân và gia đình có thể là lý do để bạn khám sàng lọc trước thời điểm đó.
Dưới đây là những dấu hiệu bạn nên đi nội soi đại tràng trước tuổi 45.
1. Đi ngoài ra máu
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, đi ngoài ra máu không phải lúc nào cũng báo hiệu ung thư, nhưng nó có thể là một dấu hiệu cần lưu ý.
Tiến sĩ Reid Ness, phó giáo sư y khoa thuộc Khoa Tiêu hóa, Gan mật và Dinh dưỡng tại Trung tâm Y tế Vanderbilt (Tennessee, Mỹ) cho biết: "Ngay cả khi chỉ là máu dính trên giấy vệ sinh và bạn nghĩ nó có thể do trĩ, bạn cũng nên đi khám."
Bất kể máu màu đỏ tươi hay nâu sẫm, hoặc đi ngoài phân đen, bạn đều nên thông báo cho bác sĩ.
2. Thay đổi kéo dài về thói quen đi ngoài
Theo Tiến sĩ Jeffrey Dueker, phó giáo sư Tiêu hóa tại Trường Y Đại học Pittsburgh (Mỹ), bất kỳ sự thay đổi nào về thói quen đi ngoài hoặc hình dạng phân, ví dụ đi ngoài nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường, phân nhỏ, phân dẹt, độ cứng thay đổi,... đều có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư đại trực tràng.
Táo bón kéo dài, đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần cũng là dấu hiệu nên chú ý theo dõi.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, bạn nên thông báo với bác sĩ về những thay đổi thói quen đi ngoài nếu chúng kéo dài hơn vài ngày. Ít nhất bạn nên khám sức khỏe tổng quát và bác sĩ có thể đề nghị nội soi đại tràng.
3. Đau bụng đột ngột hoặc sụt cân
Theo bác sĩ tiêu hoá Carole Macaron của Cleveland Clinic, đau bụng không rõ nguyên nhân cũng có thể là dấu hiệu đáng lo ngại. Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas cho biết, mức độ cơn đau có thể nhẹ hoặc dữ dội tuỳ vào cảm nhận và khả năng chịu đau của từng người.
Tiến sĩ Dueker lưu ý rằng nếu bạn sụt cân không rõ nguyên nhân, đó cũng là dấu hiệu bạn nên đi khám bác sĩ để biết có cần nội soi đại tràng hay không.
4. Tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng
Bác sĩ Macaron cho biết, những người có bố mẹ, anh chị em hoặc con cái có tiền sử mắc bệnh ung thư đại trực tràng nên khám sàng lọc trước 45 tuổi: "Dựa trên phân tích tổng hợp của nhiều nghiên cứu, nếu bạn có thân nhân bậc một mắc bệnh ung thư đại trực tràng thì bạn có nguy cơ cao gấp khoảng 2 lần. Nếu thân nhân bậc một mắc bệnh ung thư đại tràng ở tuổi 50 hoặc trẻ hơn, thì nguy cơ cao hơn đến 3 lần."
Trong trường hợp đó, bạn nên nội soi đại tràng từ tuổi 40 hoặc 10 năm trước tuổi được chẩn đoán của người thân - tùy theo điều kiện nào đến trước. Ví dụ, nếu mẹ bạn được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại tràng ở tuổi 44, thì bạn nên nội soi đại tràng từ tuổi 34.
Theo TS Ness, nếu bố mẹ hoặc anh chị em ruột của bạn có polyp đại tràng lớn, bạn cũng nên khám sàng lọc từ tuổi 40. TS Dueker nói: "Trong quá trình nội soi đại tràng, nếu thấy polyp và tin rằng đó là loại tiền ung thư, bác sĩ sẽ loại bỏ trong quá trình nội soi. Việc này giúp giảm thiểu nguy cơ ung thư đại tràng trong tương lai."
5. Thiếu sắt, viêm ruột hoặc tiền sử mắc một số bệnh ung thư nhất định
Thiếu sắt là tình trạng phổ biến ở phụ nữ trẻ, nhưng trong một số trường hợp cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư. Kinh nguyệt có thể là nguyên nhân gây thiếu sắt, nhưng nếu bác sĩ sản phụ khoa của bạn cho rằng có lý do đáng lo ngại, hoặc bạn cảm thấy lo lắng, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn nội soi đại tràng. Tình trạng thiếu sắt ở nam giới luôn đáng lo ngại và nên trao đổi với bác sĩ để nội soi đại tràng.
Nếu bạn mắc bệnh viêm ruột, bạn cũng nên nội soi đại tràng trước 45 tuổi. Tiến sĩ Dueker nói: "Bất kỳ loại viêm nào liên quan đến đại tràng đều có thể khiến bạn có nguy cơ phát triển tiền ung thư. Ngoài ra còn có các tình trạng bệnh lý khác. Ví dụ, xạ trị vùng chậu hoặc bụng vì những lý do khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng".
Ngoài ra, nếu bạn mang đột biến trong một trong các gene ung thư, bạn cũng nên bắt đầu tầm soát ung thư đại trực tràng sớm hơn.
Vì sao ung thư đại trực tràng tăng nhanh ở nước ta?
Theo chuyên gia Bệnh viện K, ung thư đại trực tràng ở nước ta cũng như nhiều nước đang phát triển tăng nhanh là do lối sống và chế độ ăn. Ngoài ra có yếu tố tuổi tác và di truyền, nhưng số ca liên quan đến di truyền chỉ chiếm 3-5%.
Cụ thể, người dân Việt Nam dần thích nghi với lối sống của phương Tây, trong đó béo phì, ít vận động, tiêu thụ nhiều thịt đỏ, ăn ít trái cây và rau xanh, nạp nhiều chất béo, thức ăn nhanh, uống nhiều rượu, hút thuốc lá... là những yếu tố nguy cơ gia tăng tỉ lệ mắc bệnh.
Theo thông kê, 57% người trưởng thành tại Việt Nam ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị của WHO, trong khi lại ăn nhiều thịt. Cứ 3 nam giới lại có 1 người uống rượu bia ở mức nguy hại. Trong 10 năm, từ 2010-2020, tình trạng thừa cân, béo phì tăng vọt từ 8,5% lên 19%. Việt Nam nằm trong top 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, với 38,9% nam giới trên 15 tuổi tại Việt Nam hút thuốc.
(Theo Bệnh viện K, Huff Post)