Ở người đái tháo đường hay tiểu đường, việc ăn uống đúng cách không chỉ giúp kiểm soát lượng đường huyết trong máu mà còn giảm thiểu việc dùng thuốc điều trị, đồng thời hạn chế các biến chứng có thể xảy ra.
Về nguyên tắc ăn uống cho người tiểu đường cần tuân thủ 4 điều sau:
- Người bị đái tháo đường (tiểu đường) tuyệt đối không bỏ bữa, không để cơ thể cảm thấy quá đói. Bởi vì khi đói, bạn dễ ăn nhiều, cùng lúc nạp lượng lớn năng lượng vào cơ thể.
- Ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, kèm những bữa ăn nhẹ sẽ giúp tránh nguy cơ trên, ổn định mức glucose máu.
- Hạn chế đường, muối, chất béo bão hòa. Uống đủ nước, tùy theo trọng lượng và nhu cầu hoạt động của cơ thể.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với thể dục thể thao để giúp cơ thể hấp thụ dinh dưỡng tối ưu nhất. Đây là chìa khóa giúp người đái tháo đường kiểm soát cân nặng và mức glucose máu.
4 món ăn vặt lành mạnh tốt cho bệnh nhân tiểu đường
Gạo lứt
Chỉ số GI (chỉ số đường huyết) của gạo lứt là 68, trong khi gạo trắng có chỉ số GI ở nhóm cao là 73. Vì vậy, ăn gạo lứt sẽ an toàn hơn cho những người mắc bệnh tiểu đường so với gạo trắng. Bên cạnh đó, chất xơ và magie có nhiều trong gạo lứt giúp cơ thể kiểm soát đường huyết, có lợi cho hệ tiêu hóa giúp người bệnh duy trì cân nặng hợp lý, ngăn ngừa biến chứng.
Quả thanh long
Loại quả này có chỉ số đường huyết GI thấp, ở mức 48 – 52 nên rất phù hợp để sử dụng cho những người bị tiểu đường. Bên cạnh đó thanh long có hàm lượng đường thấp, trong 100g chỉ chứa 3,77g đường đơn. Đồng thời, loại quả này còn chứa nhiều vitamin A, C và chất chống oxy hóa, cùng nhiều khoáng chất thiết yếu như kali, magie, photpho… mang lại nhiều tác dụng tích cực tới sức khỏe của người bệnh tiểu đường.
Hạt đậu tương
Thêm đậu tương và các thực phẩm từ đậu tương vào bữa ăn hàng ngày giúp làm giảm lượng cholesterol, giảm lượng đường trong máu hiệu quả. Bên cạnh đó, đậu tương cũng rất giàu chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường. Ngoài ra, hàm lượng chất xơ cao trong loại hạt này còn giúp cải thiện rất tốt sức khỏe đường ruột.
Quả bưởi
Bưởi là một trong những loại trái cây chứa lượng vitamin C và vitamin A dồi dào. Chỉ cần 1/2 trái bưởi bạn đã có đủ 78% nhu cầu vitamin C hàng ngày cho cơ thể. Trong nước bưởi có thành phần tựa như insulin, giúp hạ đường huyết, có tác dụng hỗ trợ đối với bệnh nhân đái tháo đường. Ăn bưởi đều đặn có thể giúp giảm cân và phòng chống bệnh đái tháo đường hiệu quả.
5 loại quả người bị tiểu đường hạn chế
Quả sầu riêng, mít
Sầu riêng, mít là loại trái cây giàu dinh dưỡng, chứa hàm lượng calo rất cao, các vitamin, chất béo, protein và chất xơ dồi dào… Trong phần thịt mềm của sầu riêng có lượng đường lớn, nếu người mắc bệnh tiểu đường ăn nhiều 2 loại quả này sẽ khiến đường huyết tăng cao đột ngột, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Chuối chín kĩ
Người mắc bệnh tiểu đường nên ăn những loại chuối chín ở mức vừa và hạn chế ăn những loại chuối đã chín kĩ. Chuối chín vừa có chỉ số đường huyết (GI) thấp hơn so với chuối đã chín kĩ. Chỉ số đường huyết của chuối chín vừa khoảng 40 còn chuối chín khoảng 60. Vì vậy, ăn chuối chín vừa sẽ không khiến cho lượng đường huyết tăng quá nhanh.
Quả nhãn
Trong quả nhãn chứa nhiều đường và có tính ngọt cao, nếu ăn nhiều sẽ làm tăng lượng đường, gây tăng cân. Nếu ăn 300g nhãn đồng nghĩa bạn đang hấp thụ 1,5 bát cơm điều này cũng dễ gây ra béo phì, một trong yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường. Do vậy bạn nên hạn chế ăn loại quả này nếu đang hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường.
Nho khô
Nho khô là món ăn nhẹ được nhiều người ưa thích nhưng chúng không phải là sự lựa chọn tốt dành cho người tiểu đường. Trong 100 gram nho khô có chứa gần 300 kcal và 47 gram đường, khi đó nếu tiêu thụ quá nhiều, đường huyết của bạn có thể tăng cao và khó kiểm soát.
Quả dứa chín
Lượng đường cao trong quả dứa có thể trở thành nguyên nhân khiến đường huyết của bạn tăng nhanh chóng, khó kiểm soát. Tuy nhiên dứa cũng là loại hoa quả giàu dinh dưỡng, giúp bổ sung nhiều canxi, kali, vitamin A, C và folate, tốt cho sức khỏe của người bệnh. Do đó, thay vì loại bỏ hoàn toàn dứa ra khỏi thực đơn ăn uống thì người tiểu đường có thể ăn với số lượng vừa phải.
Nhóm thực phẩm người tiểu đường nên tránh xa
- Thực phẩm có chứa chất béo bão hòa: sữa nguyên kem, bơ, thịt bò, xúc xích, thịt xông khói, dầu dừa, dầu hạt cọ…
- Thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa: khoai tây chiên, bánh quy, snack, bơ thực vật, đồ nướng…
- Thực phẩm giàu cholesterol: sữa nguyên kem, mỡ động vật, lòng đỏ trứng, gan, nội tạng…
- Thực phẩm có nhiều muối: dưa muối, cà muối, khô cá, khô mực có tẩm muối, mắm, đồ hộp…