Bé trai kháu khỉnh bị bỏ rơi ở cổng Bệnh viện Từ Dũ
Đêm 11/7/2017, các bảo vệ đang trực tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM phát hiện một bé trai kháu khỉnh, đáng yêu và trắng trẻo đứng một mình trước cổng. Bé mặc chiếc áo phông trắng, bên ngoài khoác áo màu xanh. Qua cuộc nói chuyện, bé cho biết mình tên Bin và bị một người đàn ông chở tới nhà bóng rồi bỏ đi mất.
Do không thấy người thân đi theo nên bảo vệ đã đưa bé vào Làng Hoà Bình ở Bệnh viện Từ Dũ để các bác sĩ chăm sóc, sau đó trình báo cơ quan chức năng. Sau đó, UBND phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 đã phối hợp với công an phường tiến hành các thủ tục xác minh nhân thân của bé Bin.
"Theo lời kể của bé, gia đình sinh sống tại quận 8. Với từng ấy thông tin, phường đã chủ động liên hệ với quận 8 và Bình Tân cùng nhiều quận lân cận để xác minh nhưng chưa thấy nhân thân của bé đến nhận. Chính quyền địa phương ở những nơi trên cũng xác nhận chưa có ai đến trình báo bị lạc con", bà Thanh Nga, cán bộ Bình đẳng giới – Trẻ em UBND phường Phạm Ngũ Lão cho hay.
Bé Bin kháu khỉnh bị bỏ rơi trước cổng Bệnh viện Từ Dũ.
Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm nhân thân nhưng không kết quả, ngày 7/8, đại diện UBND phường Phạm Ngũ Lão đã làm giấy khai sinh cho bé và lấy tên Nguyễn Phúc Thịnh, sinh ngày 12/4/2015.
Ngày 9/8, từ thông tin người dân, cán bộ phường Phạm Ngũ Lão phát hiện mẹ ruột bé Bin đang sinh sống ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Sau đó chị N. (30 tuổi, Cà Mau) đã đến Làng Hòa Bình nhận là mẹ của bé Bin.
Chị N. cho hay, trong lúc đi thăm người thân tại Bệnh Từ Dũ đã để lạc mất cậu con trai 3 tuổi, tên Phạm Gia Huy – tức bé Bin. Vì không biết nhờ ai và không có cách tìm con nên chị N. cũng không báo cho công an khu vực biết đã lạc mất con.
Chị N. cho hay, trong lúc đi thăm người thân tại Bệnh Từ Dũ đã để lạc mất cậu con trai 3 tuổi, tên Phạm Gia Huy – tức bé Bin.
Vì hôn nhân tan vỡ, chị N. chuyển từ Cà Mau lên Sài Gòn mưu sinh và dắt theo bé Bin. Chị chỉ cung cấp được thông tin bé Bin được sinh ra ở bệnh viện huyện Cái Nước.
Sáng 12/8, UBND phường Phạm Ngũ Lão đã hoàn tất thủ tục xác minh nhân thân, tiến hành lập biên bản bàn giao bé Phạm Gia Huy (3 tuổi, không phải bé 2 tuổi như thông tin ban đầu) cho người mẹ ruột, tức chị N..
Được biết, hiện tại bé Bin đang sinh sống với ông bà nội tại Cà Mau.
Bé Đức Lộc bị bỏ rơi trước cổng chùa giữa đêm mưa rét
Đêm 7/7/2016, trụ trì chùa Vạn Đức (Bình Đại, Bến tre) - thầy Thích Lệ Hiếu bỗng nghe tiếng chó sủa rất lớn liền vội vàng chạy ra. Bất ngờ, thầy phát hiện một bé trai bị bỏ rơi trước cổng chùa, dây rốn vẫn còn dính máu. Lúc đó, thân của bé đã ướt sũng, da tím tái nên thầy Hiếu vội vàng bế vào trong sơ cứu.
Một tuần sau khi đến trình báo cơ quan chức năng nhưng không ai đến nhận, bé trai chính thức được nhà chùa nhận nuôi, khai sinh là Phạm Đức Lộc. Nhưng kể từ đó cũng là lúc bé Lộc có những biểu hiện bất thường, hay lên cơn sốt và đầu to hơn những đứa trẻ khác.
Ngày ấy, thầy Hiếu đã đi hỏi người xung quanh bé Lộc mắc bệnh gì và nhận được câu trả lời bé mang “đầu cá trê”, bình thường chứ không sao. Nhưng ngày trôi qua ngày, đầu bé Lộc cứ tiếp tục lớn lên và khi đầy tháng, một bác sĩ về chùa khám từ thiện đã nói với thầy Hiếu bé bị bệnh não úng thủy.
Bé Đức Lộc bị bỏ rơi trước cổng chùa Vạn Đức giữa đêm mưa rét.
Thầy Hiếu lập tức đưa Đức Lộc đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ ở Bến Tre lẫn Sài Gòn hòng chút hy vọng giành lại sự sống cho đứa trẻ tội nghiệp nhưng các bác sĩ đều lắc đầu.
Sau đó nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng các mẹ bỉm sữa cũng như mạnh thường quân, bé tiếp tục hành trình đối diện với “cửa tử" khi qua Singapore chữa trị. Và phép màu diệu kỳ đến, Đức Lộc đã dũng cảm chiến thắng hết lần này đến lần khác những cơn đau và được trở về mái ấm Đức Quang…
Từ một cậu bé mắc bệnh quái ác, Đức Lộc dần cải thiện sức khỏe và lớn khôn từng ngày. Lộc bụ bẫm, kháu khỉnh và đáng yêu hơn bao giờ hết, vì thế những người yêu thương bé ưu ái gọi là chú lính chì dũng cảm. Nhưng, dường như sự bất hạnh không chịu buông tha cậu bé tội nghiệp này.
Mới đây, mái ấm Đức Quang đã đăng tải bài viết, thông báo tình hình của Lộc đang chuyển biến xấu đi, lượng oxy trong máu giảm sâu, không thể chuyển viện vì bé bị nhiễm trùng phổi, thận, tim, sợ sẽ lây chéo cho các bệnh nhi khác.
Tối ngày 19/12, chú lính chì đã về với cõi vĩnh hằng – nơi mà con sẽ không phải chịu bất cứ sự đau đớn nào nữa.
2 bé trai bị bị bố mẹ ruồng bỏ từ lúc lọt lòng
Năm 2004, trong lúc cùng bố mẹ vào chợ buôn bán, Y Byen (29 tuổi, Gia Lai) đã chứng kiến cảnh buôn làng chuẩn bị chôn sống đứa trẻ sơ sinh theo hủ tục “mẹ chết con phải chết theo”. Cô không kìm nổi cảm xúc thương xót đứa trẻ liền chạy tới bế rồi xin bố mẹ đem về nuôi.
Y Byen đặt tên cho con là Y Song với ý nghĩa “Chúa trời cho” và xem đó như một món quà vô giá mà thượng đế ban tặng. Sau đó, cô lên xã làm thủ tục nhận nuôi đứa trẻ nhưng vì chưa đủ tuổi nên cô nhờ mẹ đứng ra hoàn tất giấy tờ pháp lý.
Y Byen hạnh phúc bên cậu con trai thứ 2.
Những ngày đầu, Y Byen lóng ngóng không biết chăm sóc, cho con trai ăn gì (?). May mắn hàng xóm có 2 người mới sinh con nên hàng ngày cô bế Y Song qua nhà họ xin bú nhờ.
Sau đó, cô quyết định buổi sáng đi học, chiều về ẵm con, tối đi móc mủ cao su kiền tiền mua sữa. Cuối tuần, cô cùng con đi chăn bò thuê cho người ta với mức công 10.000 đồng/ngày. Cô dành 6.000 đồng mua sữa bò, số tiền còn lại bỏ ống heo lo tương lai con sau này.
3 mẹ con bé Y Song.
Sau 10 năm cưu mang Y Song về nuôi dưỡng, cô gái dân tộc Ba Na tiếp tục “nhặt” thêm một bé trai sơ sinh mình đầy máu me quấn trong chiếc áo mỏng ngoài nghĩa địa.
Y Byen đặt tên con trai thứ 2 là Y Sơn theo gợi ý của cậu cả Y Song. Việc chăm sóc, dạy bảo Y Sơn với Y Byen có lẽ không còn quá khó khăn bởi cô có nhiều kinh nghiệm làm mẹ từ 10 năm trước. Tuy nhiên, cô vẫn phải đối diện với một vấn đề lớn, đó là chuyện tiền bạc.
Bằng tình yêu vô bờ bến, Y Byen đã nuôi nấng các con lớn khôn và dần trưởng thành. Y Song 15 tuổi rất hiểu chuyện, tự lập và đỡ đần được nhiều việc nhà, còn Y Sơn tuy còn nhỏ nhưng ngoan ngoãn, nghe lời mẹ Y Byen.