Vào mùa đông, cơ thể chúng ta rất cần được tẩm bổ bằng các loại thực phẩm có tính ấm để tăng cường sức đề kháng và ngăn ngừa cảm lạnh. Trong đó, trà gừng là thức uống được yêu thích nhất vì rất dễ kiếm lại đem về hiệu quả vô cùng rõ rệt.
Chỉ cần bạn duy trì thói quen uống đều đặn 1-2 cốc trà gừng mỗi ngày sẽ có tác dụng thông xoang, long đờm, ngăn ngừa bệnh vặt. Trong Đông y gừng tươi còn có tên gọi là Sinh Khương, có vị cay, tính ấm. Có tác dụng tán hàn, long đờm, thường được sử dụng để chữa các chứng phong hàn và kích thích tiêu hóa.
Dù bổ dưỡng và rất tiện dụng trong cuộc sống nhưng nhiều bác sĩ Đông y vẫn cho rằng trà gừng nói riêng và các thực phẩm chứa gừng nói chung cần phải cẩn trọng khi dùng. Dưới đây là 3 trường hợp cần tránh:
Uống trà gừng quá nhiều
Trà gừng đã được cả Tây y lẫn Đông y chứng minh về tác dụng kỳ diệu với sức khỏe. Tuy nhiên nếu bạn lạm dụng cũng không hề tốt. Việc sử dụng nhiều gừng trong thời gian dài có thể sinh toét mắt, chảy nước mắt sống. Ngoài ra, còn gây chướng bụng, đầy hơi, làm loãng máu.
Không những vậy, dùng trà gừng quá nhiều có thể làm giảm huyết áp, khiến người uống cảm thấy hơi choáng váng. Những người đang dùng thuốc loãng máu hoặc thuốc huyết áp cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống. Liều lượng uống trà gừng tốt nhất là một cốc mỗi ngày. Nên hạn chế lượng gừng dùng xuống dưới 5mg/ngày.
Uống trà gừng vào buổi tối
Sáng sớm ăn gừng, tốt hơn cả uống nước sâm. Buổi tối ăn gừng, ngang với ăn thạch tín. Đương nhiên, đây chỉ là một cách ví von. Nhưng cũng phần nào cho thấy việc dùng gừng hay các thực phẩm có nguyên liệu chính là gừng vào buổi tối đều không tốt.
Trà gừng sẽ là thức uống tốt vào buổi sáng bởi lúc này khí trong dạ dày nhiều, tốt cho dương khí. Còn vào buổi tối, âm khí trong cơ thể nhiều hơn, tính nóng của củ gừng sẽ phát huy tác hại, gây ra đau bụng, khó ngủ, nóng trong. Ngoài ra, uống nhiều trà gừng vào buổi tối cũng sẽ gây tiểu rắt, làm gián đoạn giấc ngủ.
Dùng trà gừng khi cơ thể có những vấn đề sức khỏe
Không dùng gừng cho người bị say nắng: Gừng tính nóng nên thích hợp dùng cho người cảm mạo, phong hàn, vị hàn phát nhiệt sau khi dầm mưa... Chống chỉ định dùng gừng cho người bị cảm mạo thử nhiệt hoặc cảm mạo phong nhiệt. Trong trường hợp đi nắng về bị say nắng, say nóng tuyệt đối không được dùng gừng.
Huyết áp cao, bệnh tim: Những người có huyết áp thấp, khi bị tụt huyết áp thì uống nước gừng là rất tốt, nhưng đối với người có huyết áp cao thì không thể uống nước gừng vì bất cứ lý do gì, đặc biệt là uống nước gừng vào đúng thời điểm huyết áp tăng. Lúc ấy, nước gừng sẽ như chất kích thích làm cho tình trạng nặng hơn, từ đó có thể gây vỡ động mạch dẫn đến tai biến.
Người đang sử dụng thuốc: Gừng có thể phù hợp và tương tác với một số loại thuốc. Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ nên khi đã uống thuốc, nếu muốn dùng gừng thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Tốt nhất là không nên kết hợp gừng với các loại thuốc giảm huyết áp, thuốc kích thích hoạt động của cơ tim và chống loạn nhịp tim.
Những lưu ý khi dùng gừng để khỏi hại sức khoẻ
Không gọt vỏ: Gừng chỉ giữ được đầy đủ dược tính khi có cả vỏ, vì thế nếu gọt vỏ gừng trước khi sử dụng sẽ khiến gia vị này không phát huy hết tác dụng. Bạn chỉ cần rửa sạch gừng là đã có thể sử dụng.
Không ăn nhiều gừng: Gừng thuộc tính nhiệt ăn nhiều có thể gây khô miệng, khát nước, phát nhiệt trong người.
Không ăn gừng bị dập: Gừng tươi đã bị dập dễ sinh ra một loại chất độc cực mạnh, nó có thể làm biến tính, hoại tử tế bào gan, từ đó dẫn đến bệnh ung thư gan, ung thư thực quản.
Những loại thịt kỵ với gừng mà chúng ta nên lưu ý
Gừng kỵ thịt chó: Thịt chó dinh dưỡng phong phú và là thức ăn đại nóng, gừng cũng là thức ăn cay. Nếu ăn chung hai thứ sẽ động hỏa, không tốt cho sức khỏe.
Gừng kỵ thịt thỏ: Thịt thỏ khí vị cay, bình, không độc, có công hiệu an trung ích khí, giải nhiệt ngừng khát, kiện tỳ dưỡng vị, ăn chung với gừng sẽ phá hoại chất dinh dưỡng trong thịt thỏ.
Gừng kỵ thịt ngựa: Tuy thịt ngựa dinh dưỡng phong phú, nhưng nếu ăn chung với gừng sẽ gây bệnh tị, ho, không tốt cho sức khỏe.