Năm 2020, Việt Nam tăng 9 bậc trên bản đồ ung thư thế giới
Theo thông tin đăng tải trên trang VietNamNet, Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IACR, thuộc WHO) vừa công bố số liệu về tình hình ung thư hiệu chỉnh theo độ tuổi của 185 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2020. Đây là báo cáo được cập nhật 2 năm một lần.
So với năm 2018, thế giới ghi nhận thêm hơn 2 triệu ca mắc mới ung thư, lên gần 19,3 triệu ca và số ca tử vong tăng từ 9,6 triệu ca (2018) lên 9,96 triệu ca (2020).
Năm loại ung thư hàng đầu thế giới ghi nhận là: Ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại đại trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư dạ dày.
Mười quốc gia có tỷ lệ mắc mới ung thư cao nhất đều là những nước phát triển, bao gồm Úc, New Zealand, Ireland, Mỹ, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Canada, Pháp và Hungary.
Tại châu Á, Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất (285/100.000 dân), xếp vị trí thứ 27 trên bản đồ ung thư thế giới (tăng 16 bậc so với 2018); đứng thứ 2 là Hàn Quốc (243), xếp vị trí 44 thế giới, Singapore xếp thứ 4 khu vực và 49 thế giới (233), Trung Quốc với tỷ lệ 205/100.000 dân, xếp thứ 8 châu Á và 65 thế giới.
Trong khu vực Đông Nam Á, 5 quốc gia top đầu là: Singapore, Brunei (224/100.000 dân), xếp 53 thế giới, Lào ở vị trí 87 (166), Thái Lan đứng thứ 88 (164), Philippines ở vị trí thứ 89 thế giới (162).
Năm 2020, Việt Nam xếp vị trí 90/185 quốc gia vùng lãnh thổ, với tỷ lệ mắc 159,7/100.000 dân, xếp 16 châu Á, đứng thứ 6 Đông Nam Á.
“Bệnh từ miệng mà vào” từ những món khoái khẩu
Trong những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư ngày một cao hơn. Bệnh ung thư xuất hiện ngoài liên quan đến các yếu tố như ô nhiễm môi trường còn liên quan đến thói quen sinh hoạt, ăn uống không tốt của bản thân. Những loại thực phẩm chứa chất gây hại, có thể thúc đẩy nguy cơ ung thư.
Benzopyrene là một trong những loại chất gây nguy hiểm như thế. Benzopyrene có mặt trong nhiều loại thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày, đáng nói loại chất này đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm chất gây ung thư số 1.
Benzopyrene có thể gọi tắt là BaP, nó là một hydrocarbon thơm đa vòng. Chúng được sản sinh sau quá trình đốt cháy không hoàn toàn chất hữu cơ ở nhiệt độ từ 300 độ C (572 độ F) đến 600 độ C (1.112 độ F).
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ cần hấp thụ một lượng nanogram (một lượng rất nhỏ) benzopyrene có thể làm thay đổi cấu trúc và chức năng của DNA của cơ thể.
Sau khi vào cơ thể, benzopyrene sẽ tạo ra một số lượng lớn các phân tử trung gian, làm thay đổi cấu trúc của tế bào đích và gây ung thư.
Chất benzopyrene thực sự có thể ẩn chứa ở 2 loại thực phẩm dưới đây:
Thịt nướng than hoa
Hàm lượng benzopyrene trong thịt nướng rất cao. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến điều này là:
- Thứ nhất: Benzopyrene được tạo ra sau quá trình đốt của than hoa. Các benzopyrene này sẽ bay lơ lửng trong không khí kèm theo khói dầu. Cuối cùng, nó rơi vào thực phẩm nướng.
- Thứ hai: Khi nướng các sản phẩm thịt trên lửa than sẽ có mỡ chảy ra, mỡ bắt lửa và dính vào thịt. Các protein, đường và các hạt cơ của thịt phản ứng với nhiệt độ cực cao, tạo thành các amin dị vòng.
- Thứ ba: Phần cháy khét của thịt nướng có chứa các amin dị vòng có khả năng gây bệnh ung thư cao.
Đồ chiên
Những loại thịt đều giàu protein, chất béo, cholesterol cao, khi chúng được chế biến ở nhiệt độ trên 200 độ C sẽ tạo ra chất gây ung thư benzopyrene.
Theo tờ Sohu, dầu thực vật khi đun nóng trên 270 độ C sẽ tạo ra benzopyrene, nếu đun nóng đến 300 độ C sẽ tạo ra một lượng lớn benzopyrene. Đặc biệt, một số loại dầu được sử dụng nhiều lần có hàm lượng benzopyrene cao hơn nữa.
Làm cách nào để chúng ta có thể phòng tránh tiếp xúc benzopyrene?
Nên ăn thịt nướng càng ít càng tốt. Nếu bạn thực sự muốn ăn thịt nướng, hạn chế nướng thịt bằng than hoa. Khi nướng cần chú ý kiểm soát nhiệt độ, không để thức ăn bị cháy đen. Cần loại bỏ phần cháy trước khi ăn vì các khu vực cháy có chứa hàm lượng benzopyrene đặc biệt cao.
Khi ăn đồ nướng, nên ăn cùng với một số loại trái cây tươi, rau hoặc thực phẩm giàu tinh bột để có thể giúp giảm bớt sự độc hại do thịt nướng. Hàm lượng chất xơ trong rau quả tương đối phong phú, có thể thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa và đẩy nhanh quá trình thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể.