Nam sinh trong clip cũng chính là người quay lại clip "nhạy cảm"
Liên quan đến vụ 2 học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Du lộ clip có hình ảnh "nhạy cảm", Công an phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đang vào cuộc xác minh.
Dân trí đưa tin, nhà chức trách, 2 học sinh trong clip thừa nhận có quan hệ tình cảm. Clip "nhạy cảm" này do chính bạn nam quay lại. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao clip này lại được phát tán trên MXH.
Tuy nhiên, khi làm tường trình với nhà trường, nam sinh cho rằng bản thân đã làm rơi điện thoại nên có người khác đã quay lại đoạn clip "nhạy cảm" trên.
Do vụ việc có tình chất phức tạp, nhà trường sau đó đã chuyển vụ việc tới cơ quan công an để điều tra, làm rõ.
Ngày 22/3 vừa qua, trả lời Vietnamnet, ông Nguyễn Đăng Bồng - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Du (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) thông tin, sự việc xảy ra vào sáng 27/2, trong lúc Nhà trường tổ chức Lễ chào cờ, 2 học sinh (cùng lớp 11) hẹn nhau ra khu vực khác và có những hành vi nhạy cảm.
Người phát tán clip lên MXH sẽ bị xử lý thế nào?
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV GĐ&XH, luật sư Hà Thị Khuyên (Trưởng Văn phòng luật sư Nhân Chính - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong sự việc này, cơ quan chức năng cần điều tra xác minh xem người tung clip trên là ai, người này có quan hệ gì với 2 em học sinh và hành động đó với mục đích gì...để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.
Hành vi của người tung clip lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật, tùy thuộc tính chất mức độ và hậu quả của hành vi, mà có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" trực tiếp xâm phạm đến quy định quản lý về môi trường mạng, đến lợi ích của công ty, tổ chức, cá nhân, đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Người phạm tội thực hiện hành vi khách quan với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội hoàn toàn nhận biết được hậu quả gây ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi để hậu quả của nó xảy ra hoặc dù không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.
Nếu hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì việc phát tán clip lên mạng xã hội sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, mức phạt tiền từ 10 tới 20 triệu đồng.
Từ sự việc nêu trên, thiết nghĩ phía gia đình và nhà trường cần quan tâm sát sao hơn đối với con em mình, tăng cường các giờ học ngoại khóa, kỹ năng sống, tình yêu – tình bạn, giáo dục kiến thức kỹ năng pháp luật, nhằm định hướng cho các em những nhận thức, suy nghĩ đúng đắn, đúng mực và tích cực.