Nhắc đến Vĩnh Phúc, chắc hẳn du khách sẽ nhớ đến nhiều món ăn ngon độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vùng đồng bằng sông Hồng như cá thính, cháo se, bánh hòn, bánh trùng mật mía, đậu rùa Tân Chính, vó cần Hương Canh...
Đặc biệt, mỗi món ăn sẽ gắn liền với một địa phương riêng tại Vĩnh Phúc, không bị trộn lẫn với các vùng miền khác. Trong các đặc sản độc đáo của Vĩnh Phúc thì mới đây gỏi vó cần Hương Canh đã được vinh danh là Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam. Vì sao giữa bao nhiêu sản vật thơm ngon mà chỉ có một mình món gỏi vó cần được vinh danh đại diện cho Vĩnh Phúc lọt top ẩm thực tiêu biểu này? Chắc hẳn món ăn ấy có những đặc trưng đầy hấp dẫn.
Ẩm thực Vĩnh Phúc: Thơm ngon rau cần
Rau cần có lẽ không còn xa lạ gì trong mâm cơm người Việt. Một bữa cơm ngon ngoài món chính cần để ý đến cả rau nhằm cân bằng hương vị tổng thể và bổ sung dinh dưỡng cần thiết. Cần chính là một loại rau như vậy, không những thơm ngon lại còn bổ dưỡng. Dẫu rau cần chế biến được rất nhiều món ngon nhưng nức tiếng hơn cả phải kể đến món gỏi rau cần ở Hương Canh, chả thế mà nơi đây còn có hẳn câu thơ truyền miệng:
"Cỗ ngày xuân bày ra trăm kiểu
Riêng Hương Canh không thiếu vó cần"
Mỗi khi mùa đông đến, trong mâm cỗ ở Hương Canh không thể thiếu món vó cần giản dị mà quan trọng. Mâm cỗ ở đây dù có đẫy đà nào giò, nem, gà, chả, măng, mọc… nhưng nếu thiếu món vó cần thì chưa đáng gọi là cỗ. Người ngoài nhìn đĩa vó cần cứ tưởng là đơn giản nhưng có bắt tay vào làm mới thấy không dễ, phải có tay nghề cao của các bà các cô người làng mới làm được đĩa vó cần đúng chất Hương Canh.
Ẩm thực Vĩnh Phúc: Tỉ mỉ trong khâu chọn lựa nguyên liệu
Để chọn được rau cần làm vó là loại rau trồng ở những ao nước sạch sẽ, không lẫn bèo tấm, bèo dâu. Đặc biệt cây rau mọc lớn đến đâu cho nước sạch vào đầy tới đó nên thân cây luôn trắng nõn nà như ngó cần. Có lẽ vì nét độc đáo trong canh tác đấy mà rau trồng ở Hương Canh mềm, cọng nhỏ lại mỏng thân và ít lá.
Rau cần trắng sau khi hái về được mang đi rửa sạch rễ, lá, rửa thật sạch, thái vát theo ống cần thành từng miếng dài khoảng chừng hai đốt tay. Với những cọng cần to, phải chẻ đôi, chẻ tư trước khi thái vát cho vừa miếng. Nắm từng nắm cọng rau một vừa tay, nghiêng dao sắc và thái thật vát thành những đoạn nhỏ hình thoi đều nhau, gọi là vát cánh chuồn. Người làm phải thái thật khéo tay, sao cho vết thái đứt ngọt, cọng rau không nát và dập nát. Phần ngọn rau cần vốn đã mềm rồi thì không cần thái vát. Thái xong phải chế biến luôn cho tươi ngon.
Ẩm thực Vĩnh Phúc: Nguyên liệu dân dã nhưng kết hợp độc đáo
Nguyên liệu độc đáo nữa để làm món vó cần là bánh đa mật đường. Bánh đa mật làm vó cần, nay chỉ còn một số hộ gia đình của xóm Hạ và Đông Mướp làm được. Mật mía được nấu chín rồi trộn đều bột gạo tẻ đã xay trong bột nước thành một hỗn hợp để tráng thành bánh. Bánh đa được tráng mỏng vừa phải phơi khô bánh sẽ có màu cánh gián nhạt gọi là bánh đa mật. Sử dụng bánh đa chưa nướng này cắt thành từng miếng dài cỡ ngón tay. Mang bánh đa đã cắt rán giòn thành từng cọng quăn lại.
Thịt ba chỉ (cả bì) đem luộc chín thái mỏng, rồi đảo cho cháy cạnh bốc mùi thơm. Thịt vàng mà không bị cháy, lượng mỡ cũng được bỏ bớt mà không khô. Phụ liệu ngoài bánh đa mật và thịt ba chỉ rán vàng còn có lạc rang xát vỏ giã dập vừa phải, rau mùi nhặt sạch thái đoạn nhỏ sẽ được bày khi hoàn thành. Cùng với các loại gia vị khác đảm bảo đủ hương vị chua, cay, mặn, ngọt. Đặc biệt tuyệt đối không được lẫn tỏi hoặc gừng tươi trong món vó.
Tất cả các thứ trên cho vào trộn đều, cho thêm giấm, đường, nước mắm, nếm vừa khẩu vị.
Ẩm thực Vĩnh Phúc: Thơm ngon giòn ngọt gỏi vó cần Hương Canh
Đĩa vó cần đơn sơ mà hội tụ đầy đủ màu sắc thiên nhiên và mùi vị quê nhà. Thực khách vừa thấy lạ lẫm và càng tò mò hơn vì rau cần là loài rau dân giã vốn chỉ xào hoặc nấu canh thật chín mới hết cái vị ngái sao có thể ăn sống được. Thật lạ khi gỏi vó cần không tỏa mùi hương thơm ngay mà phải khi ăn một miếng mới cảm nhận hết được những hương vị của nó. Cho dù là người ăn lần đầu hay đã không nhớ đã từng thường thức bao lần đều thấy vị ngon lạ lùng.
Gắp một cái bánh đa mật rán trên cùng cho vào miệng, chưa ăn đã cảm tưởng bánh vỡ tan ra trong miệng như mở đầu cho việc thưởng thức món vó cần. Miếng thứ hai cả rau cần và bánh cùng ăn. Lạ thay mùi ngai ngái của rau cần không còn cảm nhận thấy nữa mà thay vào đó là hương vị thơm giòn của cọng cần, bùi béo của vừng lạc, ngọt ngọt của đường, chua chua của giấm, giòn tan, béo, ngọt của bánh đa quyện với dẻo thơm của bì, thịt mỡ ba chỉ lại điểm một chút rau thơm, ăn không biết chán.