Ở Việt Nam, Atiso được trồng chủ yếu ở các vùng như Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sa Pa (Lào Cai) nhưng nhiều và nổi tiếng nhất vẫn là Atiso ở Đà Lạt.
Đây là giống cây ôn đới, được người Pháp mang đến Đà Lạt trồng vào cuối thế kỷ XIX. Vùng đất này có thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, tạo điều kiện tối đa cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây Atiso. Nhờ đó mà Atiso tại đây đạt chất lượng tuyệt hảo với hàm lượng cynarine cao nhất Việt Nam.
Loài cây này cũng mang lại giá trị kinh tế cao khi có thể sử dụng tất cả các bộ phận từ hoa, lá, thân, rễ,… Từ nguyên liệu tươi đến thành phẩm Atiso đều có tác dụng mát gan, thông mật, lợi tiểu, giúp hạ cholesterol trong máu. Đặc biệt tinh chất cynarine từ Atiso còn có tác dụng đào thải cồn nhanh.
Ở Đà Lạt, Atiso được chia thành hai loại là loại bông nhọn và bông tròn. Atiso bông nhọn có cánh dài chĩa ra bên ngoài, màu tím đậm, cánh mỏng và ít cơm. Loại này có vị đắng, thích hợp để làm trà hoặc phơi khô.
Atiso bông to tròn có cánh úp vào trong tạo thành búp lớn, rất tròn trịa. Khi bông còn non, cánh có màu xanh, khi chín tới gốc thì lá dần chuyển sang màu tím. Loại bông này thường được dùng để nấu ăn vì có cơm dày, vị đắng nhẹ và rất thanh mát, bổ dưỡng cho cơ thể.
Bởi những giá trị trên mà đầu tháng 3/2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã hoàn thiện các bộ hồ sơ đề cử gửi đến Tổ chức Kỷ lục Châu Á về việc công nhận Atiso Đà Lạt đạt giá trị Kỷ lục cho các món ăn/nhóm món ăn, đặc sản nổi tiếng của Việt Nam.
Chỉ một tháng sau, Tổ chức Kỷ lục Châu Á đã chính thức công nhận Atisô Đà Lạt đạt giá trị Kỷ lục châu Á theo Bộ tiêu chí của Tổ chức Kỷ lục châu Á quy định.
Ngoài Atiso Đà Lạt, Tổ chức Kỷ lục Châu Á cũng quyết định công nhận thêm 8 Kỷ lục Châu Á khác cho các món ăn/nhóm món ăn, đặc sản nổi tiếng Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đề cử.
Trong đó bao gồm: Các loại bánh dân gian Cần Thơ (TP.Cần Thơ); Xôi chiên phồng (Đồng Nai); Bánh Phu Thê Đình Bảng (Bắc Ninh); Thanh long (Bình Thuận); Nước mắm Con Cá Vàng Phan Thiết (Bình Thuận); Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang); Cơm tấm Long Xuyên (An Giang); Các món ăn từ Khóm (Hậu Giang).