Thời gian gần đây, khoa Nhi, phòng khám Mắt, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh, thường xuyên tiếp nhận trẻ nhỏ đến khám với các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, tiêu chảy, đỏ mắt, khó mở mắt…
Qua thăm khám, các bác xác định trẻ bị nhiễm Adenovirus. Các triệu chứng sớm ở mắt như kết mạc cương tụ nhẹ (đỏ mắt), chảy nước mắt thường bắt đầu ở một mắt và lan nhanh sang mắt còn lại. Nặng hơn là mắt sưng to, đỏ nhiều, kết mạc viêm phù có giả mạc, tổn thương trợt biểu mô giác mạc làm trẻ không mở được mắt, quấy khóc nhiều. Tổn thương giác mạc sâu có thể để lại sẹo giác mạc ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.
Theo các bác sĩ, khi trẻ có dấu hiệu sốt, ho, đỏ mắt, đau họng, chảy nước mũi, tiêu chảy... cha mẹ nên cho con đi khám để chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.
Điều trị viêm kết mạc do Adenovirus không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, việc phát hiện sớm bệnh để điều trị bổ trợ và thực hiện các biện pháp vệ sinh nhằm ngăn chặn lây lan là rất quan trọng
Phụ huynh tuyệt đối không tự điều trị tại nhà theo cách truyền miệng như xông lá trầu, đắp các loại lá hay nhỏ sữa mẹ vào mắt. Ngoài ra, bạn không tự mua thuốc điều trị khi không có chỉ định của bác sĩ vì có thể sẽ làm bệnh nặng hơn như viêm loét giác mạc, thậm chí mù lòa.
Người bệnh cần khám kết hợp điều trị toàn thân và điều trị tại mắt khi có các biểu hiện nghi mắc Adenovirus. Giữ gìn vệ sinh cá nhân và mắt sạch sẽ, rửa mắt hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%. Người bệnh nên dùng riêng khăn mặt. Khăn mặt phải được phơi ở chỗ thoáng, có ánh sáng mặt trời.
Ngoài ra, bạn tránh để nước bẩn, bụi, hóa chất vào mắt. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt bổ sung vitamin C.