Trẻ nhỏ vì sao thường dễ bị kích động và cáu giận?
Về vấn đề tâm tính trẻ dễ thay đổi, các chuyên gia sức khỏe tâm lý trẻ em trên Epochtimes lý giải: “Nổi giận” thực ra chính là một trong những cách giao tiếp giữa người với người. Có thể hiểu là khi trẻ tỏ ra không hài lòng cũng là muốn thể hiện tâm trạng bất mãn của mình với bố mẹ hoặc người xung quanh.
Con người với tính cách và năng lực ứng xử khác nhau nên cách thức bày tỏ sự bất mãn cũng không giống nhau. Điển hình như người lớn với trí não phát triển thành thực sẽ dùng ngôn ngữ hoặc hành động phù hợp để diễn tả tâm trạng của mình.
Nhưng năng lực biểu đạt của trẻ lại còn hạn chế. Vì vậy, khi không vui, trẻ sẽ không giải thích lý do mà thường sẽ dùng thái độ “ngỗ nghịch” để thể hiện như khóc quấy, ném đồ vật, đánh người v.v… Thêm vào đó, tốc độ phát triển não bộ của trẻ rất nhanh, lòng hiếu kỳ mạnh mẽ nên càng dễ khiến người lớn cảm thấy vô cùng phiền phức hơn.
Trong sinh hoạt hàng ngày, trẻ còn chưa thể tự phục vụ bản thân chu đáo (ví dụ như chuyện ăn cơm, tắm rửa, ngủ v.v…), luôn cần bố mẹ hỗ trợ. Chính vì những hạn chế về năng lực và thiếu cách biểu đạt hoàn chỉnh mà trẻ luôn xảy ra xung đột với người xung quanh, khiến bố mẹ cảm thấy trẻ không nghe lời.
Đừng dùng trí tuệ và quan điểm của người lớn để “nói lý” với trẻ
Mặc dù biết trí não và năng lực của trẻ nhỏ còn rất hạn chế nhưng trong vô thức, rất nhiều bậc phụ huynh vẫn thường thích dùng suy nghĩ và cách thức của người lớn để dạy dỗ con nhỏ. Những câu nhắc nhở đại loại như “Con không được leo cao như vậy, rất nguy hiểm có biết không”, “Không được nghịch nước, sẽ bị cảm” và còn nhiều câu răn đe “không được thế này, không được thế kia” của bố mẹ.
Tuy lời của bạn về mặt ý nghĩa là đúng nhưng dù bạn nói bao nhiêu lần thì trẻ cũng thường tỏ ra khó chịu, không nghe lời, thậm chí có phản ứng đối kháng lại như khóc, giậm chân, đấm đá v.v… Điều này khiến các bậc phụ huynh cảm thấy đau đầu vì sao con mình lại “khó dạy” như vậy.
Thực tế, những lời dạy bảo của bạn chỉ đơn thuần là dùng góc độ của người trưởng thành để nói với trẻ, hơn nữa còn là những lời mang tính khẳng định chung chung mà không hề có lý giải nguyên nhân, dẫn đến tình trạng trẻ khó tiếp nhận.
Trẻ không nghe lời phải làm sao?
Giảm thấp mức độ tư duy của người trưởng thành
Bố mẹ trong quá trình giáo dục con cái cần phải hiểu rằng, đối tượng dạy dỗ là trẻ nhỏ chưa trưởng thành và hoàn thiện về mọi mặt. Vì vậy, để khiến trẻ dễ tiếp thu và ít phản kháng, bố mẹ nên lựa chọn ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu và gần với trẻ con.
Ngoài ra, bố mẹ nên đứng ở góc độ của trẻ để suy nghĩ vấn đề, điều này giúp bạn dễ tìm ra được nguyên nhân khiến trẻ tỏ ra không nghe lời, sau đó mới tìm giải pháp thích hợp để điều chỉnh đúng sai cho trẻ.
Đừng luôn nói “Không” khi trẻ đang cáu giận
Bất kể là người lớn hay trẻ nhỏ, lúc tâm trạng kích động hoặc không thoải mái, không ai thích nghe đối phương nói những lời phủ định, những lời không tán đồng. Chính vì vậy, khi trẻ đang khóc quấy hoặc giận dữ, thái độ cứng rắn của bố mẹ chỉ càng khiến trẻ cảm thấy mình bị đe dọa, không được tôn trọng và càng phản kháng mạnh hơn.
Dạy trẻ biểu đạt tâm trạng tiêu cực của mình
Tuy cáu giận không phải là cách thể hiện tâm trạng tích cực nhưng bố mẹ vẫn nên khuyến khích trẻ dùng phương pháp phù hợp để diễn đạt sự không vui của mình ra bên ngoài. Bạn có thể dạy trẻ cách giải tỏa tâm trạng bằng việc ghi nhật ký, vẽ tranh hoặc vận động thể chất v.v…
Làm gương và kiên trì nguyên tắc
Muốn trẻ nghe lời, trước hết bố mẹ và người lớn trong nhà phải là tấm gương tích cực. Do đó, thái độ hòa thuận, lời nói nhẹ nhàng và hành vi đúng mực của mỗi thành viên sẽ tác động không nhỏ đến trẻ.
Bên cạnh đó, bố mẹ cần kiên trì nguyên tắc của mình. Vì dụ nếu muốn dạy trẻ phải rửa tay trước khi ăn thì không nên vì một lần trẻ khóc quấy mà xem như ngoại lệ. Một lần “dung túng” rất có thể khiến trẻ sẽ nhận thức sai lệch rằng sau này chỉ cần mình không muốn làm gì đó chỉ việc khóc là được.
Nguồn: http://www.epochtimes.com/gb/18/6/25/n10511645.htm