Có nhiều lý do khiến trẻ trở nên không ngoan ngoãn như bố mẹ mong đợi, một trong những nguyên nhân chính là do trẻ thiếu cảm giác an toàn.
Theo các chuyên gia tâm lý, cảm giác an toàn là nhu cầu cơ bản của mỗi đứa trẻ, nó ảnh hưởng đến sức khỏe và sự trưởng thành cả về tâm sinh lý trẻ em.
Nếu thiếu đi cảm giác an toàn, trẻ dễ trở nên nhút nhát, tự ti, sợ sệt, không thể hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa. Đồng thời, hành vi của trẻ sẽ có xu hướng “kháng cự”, đi ngược lại với yêu cầu của người khác, đặc biệt là những lời răn dạy của bố mẹ.
Hành vi nào của bố mẹ dễ khiến trẻ mất cảm giác an toàn dẫn đến ngỗ nghịch?
Bố mẹ nói dối trẻ
Người lớn chúng ta luôn dạy trẻ phải thật thà, không được nói dối người khác, nếu trẻ phạm lỗi có thể bị đánh mắng. Tuy nhiên, người thân cận nhất của trẻ lại ít khi làm gương về vấn đề trung thực này.
Không nhất thiết phải là những lời nói dối mang tính tiêu cực, ngay cả khi bạn dùng lời ngon tiếng ngọt để dỗ dành hay “dụ” trẻ nghe lời một việc gì đó cũng chính là đang nói dối trẻ.
Tuy bạn cho rằng đó chỉ là “lời nói dối ngọt ngào” nhưng nếu trẻ hiểu được sự thật, nội tâm trẻ khó tránh cảm giác tổn thương và mất đi sự tín nhiệm với bố mẹ. Dần dần, trẻ cũng học theo cách nói dối này từ người xung quanh.
Sau nhiều lần bị nói dối, trẻ sẽ sinh ra tâm lý phòng vệ. Dù lời nói dối của bố mẹ tưởng chừng không có tổn hại gì nhưng với trẻ, nó ảnh hưởng rất lớn và càng khiến trẻ không nghe lời. Tốt nhất bạn giải thích cho trẻ hiểu và khích lệ trẻ học cách đối diện với vấn đề.
Bố mẹ nói những lời mang tính tiêu cực và phủ định trẻ
Theo Pcbaby, đây là một trong những hành vi bố mẹ thường mắc phải. Trẻ ngỗ nghịch có thể khiến bạn tức giận và thốt ra những lời mang tính phủ định trẻ như “Bố mẹ không cần con nữa”, “Con mà lì thì chú cảnh sát sẽ bắt con đấy”, “Con không nghe lời thì các bạn khác sẽ chê cười con đấy nhé”, “Bố mẹ nhặt con ở trong thùng rác đó” v.v…
Có thể với tư duy trưởng thành của bạn thì những lời này chỉ là “dọa” cho trẻ sợ nhưng với trẻ con, tính cách và cả khả năng chịu đựng tâm lý còn rất yếu và dễ phản ứng mạnh mẽ.
Vì vậy, những lời dọa nạt bố mẹ nghĩ rằng vô hại kỳ thực hoàn toàn có thể gây tổn thương trẻ. Lâu dần, trong lòng trẻ sẽ mang nỗi ám ảnh tiêu cực, mất đi lòng tin và hình thành những tính cách tiêu cực.
Có thể thấy, bé không nghe lời bố mẹ không hẳn là do tính cách của trẻ. Mà do chính lời nói, hành vi của bố mẹ tạo ra ám thị tâm lý sai lệch cho trẻ.
Bố mẹ nên làm gì để bảo vệ cảm giác an toàn cần thiết cho trẻ?
Học cách lắng nghe tiếng lòng con trẻ
Thoạt nghe tưởng dễ nhưng để làm được điều này đòi hỏi bố mẹ phải thật kiên nhẫn và khéo léo. Đặc biệt với những đứa trẻ khá nhạy cảm hoặc tính cách hướng nội ít khi chia sẻ tâm tư thì làm gì khi trẻ không nghe lời là "khóa học lớn" cho người làm bố làm mẹ.
Chính vì vậy, dù con bạn tính cách như thế nào, bố mẹ cũng cần quan sát tinh tế từng cảm xúc của trẻ, kịp thời hỏi han, khích lệ trẻ chia sẻ để bố mẹ có thể thấu hiểu tâm tư nguyện vọng, hỗ trợ trẻ khi cần thiết.
Đừng ngại cho trẻ thật nhiều cái ôm và sự khích lệ
Ôm là một loại sức mạnh ấm áp nhất của ngôn ngữ hình thể. Khi trẻ có chuyện buồn phiền hoặc gặp thất bại, yếu đuối, hãy dành cho trẻ một cái ôm đầy yêu thương và vững chãi.
Trước khi những lời nói được thốt ra thì cái ôm từ người thân yêu nhất chắc chắn có thể giúp trẻ dịu lại và cảm thấy vô cùng an toàn, như thế trẻ sẽ dễ dàng chia sẻ với bố mẹ hơn.
Ngoài ra, con người càng mang phong thái tự tin thì cảm giác an toàn càng mạnh mẽ. Khi con trẻ phạm sai lầm, bố mẹ không nên trách mắng nặng nề, hãy giảng giải cho trẻ hiểu vấn đề một cách đúng đắn, tích cực và khích lệ trẻ nhìn nhận cái sai, có thiện chí sửa sai.
Chỉ khi trẻ được thấu hiểu và bao dung từ bố mẹ, trẻ sẽ tự biết giá trị bản thân và có “sức đề kháng” tốt trước sóng gió cuộc đời.