Ngày 20-10-2018 Nghi định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thay thế cho Nghị định 178 trước đây sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo đó, Nghị định này quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa lên đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm.
Nghị định cũng quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn…
Các quy định luật pháp đưa ra không chỉ nhằm xử phạt mà còn tăng cường khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm an toàn, bảo vệ cho người dân.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM cho biết, nếu phát hiện doanh nghiệp tự công bố an toàn thực phẩm không đúng mức giới hạn thì phải buộc doanh nghiệp tự thu hồi toàn bộ sản phẩm và phạt tiền. Tất cả những hoạt động đó phải làm quyết liệt, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng vẫn phải bảo đảm được sức khỏe của cộng đồng.
TPHCM cũng đã và đang triển khai cho các quận, huyện. Nghị định mới có mức xử phạt mạnh mẽ hơn với các vi phạm về an toàn thực phẩm, đồng thời quy định rõ ràng các hành vi để dễ xử phạt.
Đối với cá nhân có thể lên 100 triệu đồng, các cơ sở doanh nghiệp có thể mức phạt gấp đôi, thậm chí một số cơ sở bị phạt lên hàng tỉ đồng. Dù mức phạt tương đối có tính răn đe, tuy nhiên cũng nên suy nghĩ khi áp dụng. Chẳng hạn, thức ăn đường phố không đeo găng tay thì phạt 1 triệu đến 3 triệu đồng.
"Tùy vào đối tượng được áp dụng nữa, không phải lúc nào mức phạt lớn cũng có ý nghĩa đâu. Cho nên bây giờ phải tiến hành hết sức thận trọng. Nghị định xử phạt trên nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng nên nghị định này thay đổi về mức xử phạt, điều chỉnh cho phù hợp.
Ví dụ như hồ sơ công bố và tự công bố của doanh nghiệp. Trước đây doanh nghiệp nộp hồ sơ lên, cơ quan nhà nước xét đạt thì mới cho doanh nghiệp công bố sản phẩm. Nay thì không cần, doanh nghiệp tự công bố với điều kiện hoạt động đúng cam kết. Nếu không khi bị cơ quan chức năng hậu kiểm tra phát hiện ra không đúng với điều với công bố thì sẽ bị phạt nặng…", bà Lan nhấn mạnh.
Được biết, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra gần 402.000 cơ sở, phát hiện trên 77.100 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, xử lý trên 24.600 cơ sở, trong đó phạt tiền 21.600 cơ sở với số tiền phạt hơn 42,5 tỉ đồng.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn đình chỉ lưu hành sản phẩm đối với 195 cơ sở; 3.926 cơ sở phải tiêu hủy sản phẩm; tiêu hủy 3.821 loại thực phẩm không đảm bảo an toàn…
Các nội dung vi phạm chủ yếu được phát hiện là vi phạm ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, điều kiện vệ sinh cơ sở, không thực hiện công bố sản phẩm theo quy định.
Tình trạng cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận cố tình vi phạm như sản xuất mà không công bố sản phẩm, đưa thêm các chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo quá mức… vẫn diễn ra thường xuyên.