Từ lúc chưa lấy chồng, Dung đã nổi tiếng ở thị trấn với tài make-up (trang điểm). Nhưng vì nhà ở tít trong ngõ nhỏ, nên chủ yếu, khách của Dung là khách quen qua giới thiệu, hoặc cô đăng bài, số điện thoại trên facebook rồi người ta gọi điện, tìm đến. Mong mỏi về việc mở một studio lớn ở trung tâm thị trấn vẫn còn là xa vời với cô.
Rồi tình cờ, một người khách giới thiệu cho Dung về Hoàng – chàng trai hơn cô 3 tuổi, nhà ở trung tâm thị trấn và quan trọng là ngay mặt đường tỉnh lộ. “Em mà lấy được nó thì chục mét mặt đường ấy kiểu gì hai ông bà chả cho vợ chồng mở cửa hiệu. Em cứ nghĩ kỹ đi, thằng Hoàng ấy chỉ hơi lười tí thôi, còn đâu không phải đắn đo gì hết! Chị thương em, quý em nên chị mới nói đấy!”.
Lời bà chị khách quen cứ văng vẳng trong đầu Dung mãi. Mà đúng là bà chị có tâm thật, không những nhắc nhở Dung mà còn đi đánh tiếng khéo léo với bên nhà bố mẹ Hoàng. Hai ông bà không nghề nghiệp ổn định, sống nhờ tiền thuê mặt bằng. Bố Hoàng thì làm bảo vệ cho ngân hàng gần đó. Thấy bà chị kia kể về Dung “cái gì cũng được, vừa khéo léo, kiếm ra tiền mà tính tình lại hiền dịu, đảm đang”, bố mẹ Hoàng như mở cờ trong bụng. Bởi vốn dĩ, tìm được cô con dâu như thế - là thừa cả xứng đáng cho Hoàng.
Vì thế, bà chị kia được bố mẹ Hoàng thúc giục khuyên Dung nhanh chóng mở lòng với Hoàng. Bà chị cũng rất biết lựa lời khuyên nhủ, sau một thời gian ngắn để đôi trẻ quen nhau thì cũng coi như “tình trong như đã”. Hoàng có người yêu vừa xinh vừa đảm, còn Dung thì tương lai có studio mặt đường coi như đã… chắc được hơn một nửa. Để xúc tiến nhanh hơn nữa, bố mẹ Hoàng còn sẵn sàng tuyên bố, “chắc chắn cái nhà mặt đường ấy là của hai đứa, bố mẹ chuyển vào trong ngõ ở với ông bà”.
Vậy là chỉ vài tháng từ lúc làm mối, quen nhau, Hoàng với Dung đã chính thức trở thành vợ chồng. Ngày cưới, mẹ Hoàng nắm tay Dung, ôm con dâu mà rơm rớm nước mắt: “Cảm ơn con đã chọn con trai của mẹ!”. Nhưng cũng từ đây, trớ trêu của việc yêu nhanh - cưới vội mới dần dần xảy ra. Hóa ra, lời bà chị làm mối nói về Hoàng “chỉ hơi lười tí thôi” là đúng, nhưng chưa đủ. Đúng là vì Hoàng lười thật, còn chưa đủ là vì anh ta quá thể lười. Bởi lẽ, chỉ riêng chuyện hàng xóm quanh nhà Hoàng sang chơi rồi liên tục trêu Dung: “Thế là bây giờ coi như bố mẹ thằng Hoàng chuyển được cái gánh nợ rồi nhé!” cũng đủ để cô thấy có gì đó không đúng rồi.
Hoàng vốn mở một tiệm cắt tóc nhỏ ở cách nhà không xa, anh được nhà bác ruột cho mượn địa điểm cũng ngay mặt đường để mở. Nếu tu chí làm ăn thì với điều kiện như thế, Hoàng không thiếu khách và có thu nhập ổn định. Nhưng chính vì… dễ dàng quá hay sao, vì không mất tiền thuê mặt bằng, sẵn bố mẹ ở nhà vẫn đang nuôi báo cô, và quan trọng là cái tính lười không ai xoay chuyển nổi, nên tiệm cắt tóc của Hoàng cứ mở cửa bữa đực bữa cái.
Vào mùa bóng đá, nó còn đóng cả tuần. Vì Hoàng thức đêm nhậu nhẹt, xem bóng tụ tập với bạn bè gào thét tới gần sáng, thì lấy đâu sức hôm sau mà mở quán đón khách được. Nằng nặc đòi bỏ học cao đẳng để đi học cắt tóc, rồi về nằng nặc đòi bố mẹ cho tiền mua đồ nghề, thiết bị mở cửa hàng, đến giờ, sau mấy năm, Hoàng chưa biếu bố mẹ mình được đồng nào, mà chỉ xin. “Lúc nào tao cũng thấy mày xin tiền, cứ mò về nhà là kiểu gì mày cũng xin một tí”, mẹ Hoàng đã chán lắm cái cảnh này rồi. Thế nên, hai ông bà tha thiết muốn tìm một cô vợ được tính, được nết, chăm chỉ để “kéo” con trai mình hoàn lương trở lại.
Thế mà lấy được Dung về, Hoàng vẫn chứng nào tật nấy. Như đã hứa, bố mẹ Hoàng không cho thuê nhà nữa, giao hẳn cái nhà mặt đường ấy cho vợ chồng Hoàng mở một hiệu ảnh cưới, trang điểm cô dâu. Hôm khai trương, khách đến nườm nượp. Hoàng đăng ảnh lên facebook, viết rằng: “Khởi đầu mới, từ nay hai vợ chồng cùng cố gắng, san sẻ khó khăn, ngọt bùi em nhé!”. Nhưng ảnh đăng xong thì Hoàng cũng ngồi chơi game luôn, việc chia sẻ khó khăn, ngọt bùi kia chỉ là lời… nói phét. Một mình Dung tiếp khách, trang điểm cho khách… tới 10 giờ tối. Nếu không lấy niềm vui trong công việc để động viên mình thì cô đã ngao ngán với chồng lắm rồi.
Trời thương, hiệu ảnh cưới của Dung làm ăn khá ổn định. Nhưng cũng vì thế mà Hoàng càng ỷ lại, lười biếng hơn. Tiệm cắt tóc của anh đóng cửa liền tù tì cả tháng không thèm mở. Hàng ngày, “công việc” của Hoàng là ngủ tới 11, 12 giờ trưa, trong khi vợ anh dậy từ 2 – 3 giờ sáng để đi trang điểm cho cô dâu. Sau khi ngủ dậy là phải tìm cái ăn ngay, nếu không có thì chạy về “mách” bố mẹ, chê vợ không quan tâm. Ăn xong lại ngủ, ngủ dậy lại chơi, Hoàng cứ đều đặn thế suốt ngày mà không chán.
Chỉ có Dung là ngày càng “ngứa mắt” với sự lười ấy của chồng. Nhất là khoảng thời gian cô bầu bí, muốn chồng dậy đưa đi trang điểm cho khách lúc 2 -3 giờ sáng mà chồng ngủ lăn quay ra như chết, gọi mấy cũng thoái thác. Vì thế mà Dung trở nên cáu bẳn, hở cái là quát chồng. Nhưng mắng mấy mà Hoàng cũng chỉ như giả điếc. Chỉ có bố mẹ chồng cô là nói mát với hàng xóm xung quanh: “Tại nó mắng chồng ghê quá nên thằng Hoàng mới nhút nhát đi, không tu chí được!”. Hàng xóm cũng hết lời nói lại luôn!
Không khuyên bảo được nên Dung tự cuốn mình vào công việc và con cái để quên đi cảnh chán chồng. Cô cũng chẳng dám tâm sự, tỏ bày lòng mình với ai, vì sợ kể cả bạn bè cũng sẽ đánh giá: “Ngày xưa lấy Hoàng vì miếng đất, giờ có miếng đất rồi thì đừng có kêu ca gì!”. Nhưng thực lòng, trong thâm tâm, cô cũng mong mỏi chồng mình bớt lười đi chút ít, để cô thấy chồng thực sự là động lực cho mình cố gắng. Nhiều đêm, mệt mỏi lên giường nằm mà Dung không ngủ được, lại vào mấy hội nhóm chị em chán chồng, muốn ly hôn để đọc tâm sự của người cùng cảnh. Có mấy chị khuyên, giờ sống cho mình thôi, tiền bạc kiếm ra thì mang về cho bố mẹ mình giữ, cố làm mà nuôi con là chính, hạnh phúc coi như ở xa vời! Dung cũng định thế…
Nhưng bất ngờ xảy đến. Cái tính lười đến vô độ của Hoàng cũng có ngày phản anh. Vì ham chơi, lười làm nên Hoàng bị bạn xấu lừa mất mấy trăm triệu vào đầu tư đất, nhưng là đất… ma, không hề có sổ đỏ thật. Giờ bạn trốn biệt cùng đống tiền, tiền ấy là Hoàng đi vay nóng, do không trả được, đầu gấu đầu mèo đến tận nhà đòi đánh Hoàng, phá cửa hàng của Dung. Nhẩm tính, mấy trăm triệu kia là tiền Dung dành dụm được suốt mấy năm mở cửa hàng, giờ mang đi trả cho chồng, coi như cô mất trắng. Không trả, thì thương chồng. Mà trả, thì có trời mới biết, Hoàng có tu tâm dưỡng tính không?