Bất chấp những tuyên bố ngược lại trước đây, bằng chứng hiện tại cho thấy khá rõ ràng rằng ngay cả một chút rượu cũng có hại cho sức khỏe của bạn do liên quan đến một số loại ung thư, bệnh tim mạch, bệnh gan và các vấn đề khác.
Dù vậy GS.TS Eric Rimm, chuyên gia dịch tễ học và dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan Đại học Harvard (Mỹ), cho biết, uống rượu vẫn có thể là một phần của lối sống lành mạnh nếu được thực hiện điều độ, nghĩa là không quá hai ly mỗi ngày đối với nam và một ly mỗi ngày đối với nữ.
GS.TS Mariann Piano, nhà nghiên cứu tại Trường Điều dưỡng Đại học Vanderbilt (Mỹ) cho biết, không có cách nào chắc chắn để bù đắp hậu quả của rượu. Tuy nhiên, nếu bạn uống rượu, điều đặc biệt quan trọng là phải ưu tiên các khía cạnh khác của sức khỏe.
Hãy tập thể dục thường xuyên
Theo New York Times, uống quá nhiều rượu có thể ức chế hệ thống miễn dịch, làm suy yếu khả năng phòng vệ của cơ thể chống lại nhiễm trùng. Vì vậy, TS Rimm cho rằng điều những người uống rượu cần quan tâm là giữ cho hệ thống miễn dịch của họ hoạt động tốt.
Điều đó bao gồm việc tập thể dục thường xuyên. Từ lâu các nhà nghiên cứu đã thấy rằng những người khỏe mạnh và hoạt động thể chất dường như ít mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp hơn. Và khi họ bị bệnh, bệnh có xu hướng ít nghiêm trọng hơn.
Ví dụ, trong một nghiên cứu năm 2011 ở khoảng 1.000 người trưởng thành ở Bắc Carolina (Mỹ), các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tập thể dục từ 5 ngày trở lên mỗi tuần có nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên trong khoảng thời gian 12 tuần thấp hơn 43% so với những người ít vận động.
"Tuy nhiên, hãy nhớ rằng tập thể dục không phải là cách đảm bảo để giảm thiểu tác hại của việc uống rượu", TS Piano cho biết.
Ngủ đủ giấc
Một thành phần quan trọng khác của hệ thống miễn dịch khỏe mạnh là ngủ đủ giấc. Điều này có thể đặc biệt khó khăn đối với những người uống rượu vì rượu là nguyên nhân gây gián đoạn giấc ngủ.
TS Aric Prather, chuyên gia về giấc ngủ tại Đại học California, San Francisco, cho biết, để nghỉ ngơi đầy đủ sau một đêm uống rượu, bạn hãy dành cho mình khoảng vài giờ giữa lúc uống rượu và đi ngủ. Nồng độ cồn trong máu khi đi ngủ càng thấp thì nó càng ít gây rối loạn.
Ngoài ra, việc lựa chọn đồ uống có nồng độ cồn thấp hơn, chẳng hạn như bia 4% thay vì đồ uống hỗn hợp mạnh, cũng rất hữu ích.
Chế độ ăn lành mạnh
Một chế độ ăn lành mạnh cũng giúp tăng cường sức khỏe tổng thể của bạn và có khả năng giảm nguy cơ phát triển một số bệnh liên quan đến rượu, như một số loại ung thư và bệnh tim mạch.
Tiến sĩ David Streem, bác sĩ tâm thần chuyên điều trị các vấn đề liên quan đến rượu tại Phòng khám Cleveland (Mỹ), cho biết, chế độ ăn Địa Trung Hải - tập trung vào trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch, dầu ô liu và cá - được nhiều người xem xét như là "tiêu chuẩn vàng" cho việc ăn uống lành mạnh.
Khám sức khỏe định kỳ
Theo TS Rimm, điều quan trọng là bạn đến gặp bác sĩ để khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần và thành thật về lượng rượu bạn uống.
Nếu nó nhiều hơn một lượng vừa phải, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm máu bổ sung, chẳng hạn như xét nghiệm đánh giá xem men gan hoặc lượng đường trong máu của bạn có nằm trong phạm vi cho phép hay không.
Ngoài ra, bạn nên bắt đầu sàng lọc phòng ngừa một số bệnh ở độ tuổi được khuyến nghị, như nội soi ở tuổi 45 và chụp tuyến vú ở tuổi 40. Điều này có thể đặc biệt quan trọng nếu bạn uống rượu, vì rượu là yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng và ung thư vú.
Uống có chánh niệm
Tiến sĩ Thea Gallagher, nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học New York (Mỹ), cho biết, việc có chủ ý hơn về thời điểm và lý do bạn chọn uống rượu có thể khuyến khích bạn uống ít hơn.
Với phương pháp uống có chánh niệm, bạn có thể chú ý đến cảm giác của rượu, cả trong thời điểm hiện tại và ngày hôm sau. Rượu mang lại cho bạn điều gì? Nó lấy đi cái gì?
Bằng cách quan sát động cơ đằng sau việc bạn muốn uống rượu, bạn có thể bắt đầu đánh giá xem liệu bạn có được hưởng lợi từ việc giảm bớt uống rượu hay không? Để làm việc đó TS Gallagher gợi ý bạn hãy thử bằng cách uống ít hơn một đêm so với bình thường.
Tác hại của rượu đến cơ thể
Theo ThS Lê Thị Phương Thảo, Phòng điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), 10% rượu hấp thu ở dạ dày, số còn lại ở ruột non. Và sau uống khoảng 30-90 phút, nồng độ hấp thu rượu đạt đỉnh. Thời gian hấp thu phụ thuộc uống lúc no (hấp thu chậm hơn) hay lúc đói (hấp thu nhanh hơn).
Khi rượu được hấp thu vào hệ tuần hoàn, nó được phân bố tới não và toàn bộ các mô trong cơ thể vì rượu hòa tan hoàn toàn trong nước ở cơ thể. Do đó, rượu gây ảnh hưởng đến não, gan và nhiều cơ quan khác trong cơ thể…
Rượu là một trong những căn nguyên dẫn đến loạn thần, giảm trí nhớ, mất ngủ, tai biến, nghiện, kích động và bạo lực. Tác hại của rượu lên hệ tiêu hóa dẫn đến xơ gan, viêm gan, gan nhiễm mỡ, viêm tụy, viêm dạ dày.
Rượu có thể dẫn đến nguy cơ sinh con dị tật, giảm khả năng sinh dục và có nhiều hệ lụy khác như tăng huyết áp, suy tim…
Ths Thảo khuyên, trong trường hợp cần uống rượu, chúng ta không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày đối với nam và một đơn vị cồn/ngày đối với nữ, không nên uống quá 5 ngày/tuần.
Cụ thể, đối với nam không nên uống quá 1-1,5 chai/lon bia/ngày, 2 cốc bia/ngày và không quá 2 ly rượu vang/ngày, 2 ly rượu (40 độ)/ngày. Nữ thì bằng một của nam và cũng không uống quá 5 ngày/tuần.