Theo thông tin từ Tuổi Trẻ, nữ bệnh nhân 68 tuổi tiền sử khỏe mạnh, khoảng 2 tuần trước nhập viện, bệnh nhân xuất hiện đau bụng âm ỉ vùng thượng vị và quanh rốn, không nôn, không buồn nôn, không sốt, gầy sút 8 kg/1 năm, kèm mệt mỏi nhiều, ăn uống kém.
Kết quả cận lâm sàng cho hình ảnh tổn thương gan, tổn thương đa ổ ở gan theo dõi áp xe. Kết quả sinh thiết tổn thương gan: Tổn thương viêm hạt giàu bạch cầu ái toan. Kết quả ELISA 14 loại giun sán dương tính với giun đũa chó (Toxocara canis). Bệnh nhân được chẩn đoán áp xe gan do Toxocara canis, được điều trị phác đồ tẩy giun sau 14 ngày, tình trạng ổn định ra viện.
Theo bác sĩ Công - khoa nội tổng hợp Bệnh viện Hùng Vương - chẩn đoán rất nhiều bệnh nhân nhiễm giun đũa chó với các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, đây chỉ là một ca bệnh minh họa với tổn thương tại gan.
Bác sĩ Công phân tích, bệnh giun đũa chó xảy ra do con người bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó (Toxocara canis), hoặc ít phổ biến hơn là giun đũa mèo (Toxocara cati).
Bệnh giun đũa chó khoảng 1,4 tỉ người bị nhiễm bệnh trên toàn thế giới. Tại Mỹ, tỉ lệ nhiễm Toxocara theo huyết thanh từ năm 2011 đến năm 2014, tỉ lệ nhiễm huyết thanh được ước tính là 5%. Tại Việt Nam chưa được nghiên cứu nhiều, tỉ lệ huyết thanh dương tính với Toxocara canis là 20,6 - 40%.
Biểu hiện của bệnh từ nhiễm trùng không triệu chứng đến tổn thương cơ quan nghiêm trọng như gan, mắt, não, phổi. Sự di chuyển của ấu trùng có thể gây ra thâm nhiễm bạch cầu ái toan, hình thành u hạt hoặc áp xe.
Các triệu chứng tùy thuộc vào cơ quan chúng di cư đến như phát ban trên da, sốt, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đầy bụng, chán ăn, sút cân, áp xe gan, lách to, triệu chứng hô hấp giống như hen, ho kéo dài, tổn thương phổi, viêm cơ tim, viêm thận, khi hệ thần kinh trung ương bị thương tổn với các triệu chứng co giật, triệu chứng tâm thần kinh hay bệnh lý ở não……
Sự tồn tại của ấu trùng và những chất tiết của chúng gây tổn thương thành mạch, mô mềm, hoại tử và xuất huyết, buộc cơ thể người đáp ứng lại bằng cách tạo ra phản ứng miễn dịch học và những phản ứng bệnh lý.
Ấu trùng giun không phát triển được trong cơ thể người, sau nhiều tuần, nhiều tháng chúng sẽ chết và bị vôi hóa, hình thành nên khối u hạt ở những nơi chúng "định cư".
Biện pháp phòng bệnh
- Hạn chế tối đa tiếp xúc các vật chủ nhạy cảm, các chó mèo bị nhiễm và môi trường nghi ngờ có bệnh;
- Kiểm tra phân của những chó con hàng tuần và tẩy giun mỗi tháng cho đến khi phân trở nên âm tính;
- Phải có quy trình kiểm tra phân định kỳ mỗi năm và có kế hoạch điều trị cần thiết;
- Cấm chó chạy trong khu vườn chơi trẻ con, công viên hoặc các họp cát tông tạm trú của chó;
- Nhanh chóng loại bỏ các thùng chứa phân chó;
- Kiểm soát chặt chẽ và buộc dây xích, hay có luật nuôi cho rõ ràng.
- Giáo dục sức khỏe bởi các nhà thú y, các thầy thuốc, các nhà hoạt động xã hội và những chủ vật nuôi để góp phần vào công tác dự phòng và phòng chống bệnh.
- Rửa tay cho trẻ con sau khi chơi ở nơi có đất cát và vật nuôi.
- Giáo dục sức khỏe cho cha mẹ tránh khỏi nhưng nguy cơ tiềm tàng có thể có.
Ấu trùng giun đũa chó mèo Toxocara canis xâm nhập vào thành ruột của con người và được chuyên chở theo đường máu đến gan, phổi, não và những cơ quan khác. Ở những cơ quan này, ấu trùng lang thang hàng tuần hoặc hàng tháng, hoặc nằm im, thành những vật lạ gây viêm và kích thích tạo u hạt. Tuy nhiên, do người là ký chủ ngẫu nhiên nên ký sinh trùng không bao giờ phát triển đến giai đoạn trưởng thành. Vì vậy, không thể tìm thấy trứng trong phân của người nhiễm.
Ở trẻ em cho thấy, trẻ từ 4 - 12 tuổi rất thường mắc bệnh có liên quan đến thần kinh do nhiễm giun đũa chó mèo. "Đa số bệnh nhi là những trẻ có hành vi nguy cơ như tiếp xúc với chó mèo, tiếp xúc với đất... Trẻ đi mẫu giáo, hay nhà trẻ thường thích nghịch đất, ăn đất, ngậm liếm đồ chơi, mút tay. 30% trẻ ở lứa tuổi này thường xuyên đưa tay vào miệng. Còn các trẻ lớn hơn thì lại chơi nhiều trò chơi tiếp xúc với đất như đá banh, bồng bế chó mèo...," . Ở người lớn, bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là trong độ tuổi lao động. Bệnh thường xảy ra ở những người không rửa tay sạch sau khi tiếp xúc với đất, chơi và ẵm bồng chó mèo. Nếu có thể, chỉ nên cho trẻ chơi ở những nơi không có chó mèo lui tới. Người lớn phải giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ, đặc biệt là rửa tay trước khi ăn. Đối với các chó mèo được nuôi như vật cưng trong nhà, chúng ta cần phải xổ giun định kỳ cho chó mèo.
Nguồn: VinMec