Một trong những cách đơn giản nhất để giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể chính là uống nước ép trái cây. Đồng thời, việc làm này còn giúp các chị em có thể gìn giữ làn da sáng mịn và vóc dáng cân đối của mình.
Ngoài ra, uống nước ép hoa quả cũng là cách bổ sung nước rất tốt cho cơ thể, đặc biệt là trong những ngày thời tiết màu hè nắng nóng. Mặc dù, nước trái cây chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho mọi hoạt động của cơ thể nhưng nếu quá lạm dụng hoặc uống nước trái cây với tần suất dày đặc mỗi ngày, thậm chí uống thay cho nước lọc có thể đem đến những hệ quả bất lợi cho sức khỏe.
Nước ép trái cây chứa quá nhiều đường
Nhiều người vẫn tin rằng nước ép trái cây nguyên chất không thêm đường là "thần dược" cho sức khỏe. Nhưng từ lâu các nghiên cứu trên thế giới đã cảnh báo nước ép trái cây "không đường" thực ra vẫn nhiều đường.
Để tạo ra một ly nước ép, chúng ta cần rất nhiều trái cây. Mà trái cây thường sở hữu một lượng đường tự nhiên nhất định. Khi ép trái cây là cô đặc lượng đường đó thành một thức uống ngọt ngào dễ uống.
Tuy nhiên, chính loại chất lỏng đó có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến. Cụ thể, khi uống một cốc nước cam, về cơ bản nó đã có tất cả lượng đường con người nên có trong một ngày. Nếu uống 2-3 ly thì lượng đường đã vượt nhiều mức cho phép. Lượng đường trong máu cao gây ra nhiều vấn đề sức khỏe và nghiêm trọng với người bệnh đái tháo đường.
Theo SciTech Daily, một nghiên cứu dài hạn trên gần 500 trẻ em ở bang Massachusetts (Mỹ) phát hiện ra việc thường xuyên tiêu thụ đồ uống có đường và nước ép trái cây nguyên chất 100% trong thời thơ ấu và độ tuổi thanh thiếu niên làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 sớm.
Ngược lại, việc ăn trái cây tươi luôn an toàn ở cả 2 giới, bất kể số lượng tiêu thụ.
Kết quả trên là rất đáng chú ý bởi mắc tiểu đường type 2 ở cuối tuổi vị thành niên là quá sớm. Điều này có thể gây hậu quả lớn và lâu dài trong suốt cuộc đời trẻ.
Dễ gây tăng cân
Nghiên cứu lớn hơn từ Trường Y tế công cộng Havard TH Chan (Mỹ) được thực hiện trên hơn 300.000 người lớn và trẻ em, cho thấy nước ép trái cây nguyên chất dễ gây tăng cân nếu tiêu thụ thường xuyên.
Các tác giả giải thích rằng ngoài đường, việc uống nước ép trái cây còn khiến bạn bổ sung quá nhiều calo. Chúng ta khó lòng ăn hết 3 quả cam một lần, nhưng thừa sức uống vài ly nước cam nguyên chất, mỗi ly vắt từ 3 quả cam.
Bỏ lỡ chất xơ
Những lợi ích sức khỏe của trái cây và rau quả một phần là do hàm lượng chất chống oxy hóa cao nhưng chất xơ cũng đóng một vai trò rất quan trọng.
Chất xơ là chất dinh dưỡng đặc biệt có lợi cho hoạt động của hệ tiêu hóa. Trong khi đó, quá trình ép trái cây và rau quả thường loại bỏ hầu hết các chất rắn, bao gồm cả hạt và cùi, khỏi toàn bộ trái cây. Chính quá trình đó đã làm biến mất chất xơ trong trái cây.
Nhiều chất chống oxy hóa liên kết với chất xơ và được giải phóng trong hệ tiêu hóa. Tuy nhiên các chất chống oxy hóa liên kết tự nhiên với sợi thực vật bị mất đi trong quá trình ép trái cây. Có đến 90% chất xơ bị loại bỏ trong quá trình ép trái cây. Một số chất xơ hòa tan sẽ vẫn còn nhưng phần lớn chất xơ không hòa tan sẽ bị loại bỏ.
Uống nước trái cây thế nào là tốt nhất?
Để tận dụng tối đa nguồn lợi dinh dưỡng của trái cây và rau quả, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mọi người nên kết hợp sử dụng cả nước ép và ăn toàn bộ trái cây, rau quả. Hoặc pha trộn cả xay và ép nước. Việc pha trộn sẽ giữ lại nhiều chất xơ và các hợp chất thực vật có lợi hơn.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Blanca Garcia - đồng thời là tác giả nhiều đầu sách bán chạy về dinh dưỡng, mọi người nên ưu tiên chọn những loại trái cây tươi ít đường, ít calo để ép. Nếu chọn nước trái cây đóng hộp thì nên xem kỹ bảng thành phần, ưu tiên chọn nước ép trái cây 100% (lý tưởng nhất là loại có thêm bã trái cây để bổ sung chất xơ), ít đường nhân tạo, ít calo, cũng như hạn chế chọn loại có chất bảo quản hay hương liệu.
Chuyên gia Garcia cũng nói thêm nước trái cây chỉ tốt nhất nếu được uống một cách điều độ, không lạm dụng. Ngoài ra, cũng cần lưu ý không nên uống nước ép khi bụng đói, bởi nó có thể khiến lượng đường trong máu tăng vọt, kéo theo nguy cơ khởi phát bệnh tiểu đường.