Cụ thể, vào chiều 7/3, chị P.T.C (sinh năm 1985, trú tại thành phố Đà Lạt) tới phòng tập thì phát hiện chị N.H. đã tử vong tại đây.
Tại hiện trường, chị H. bị dải dây tập bằng vải có đầu mối treo trên xà nhà thắt siết ngang bụng, hai chân sắp chạm tới mặt sàn. Được biết, chị H. là người luyện tập yoga từ nhiều năm qua. Hiện chị đang chuẩn bị thi cấp chứng chỉ hành nghề huấn luyện viên của bộ môn này.
Nhiều năm trở lại đây, Yoga bay là bộ môn được rất nhiều chị em tìm đến. Nhất là phụ nữ ở độ tuổi trung niên. Nhiều người tìm đến Yoga bay để cơ thể được uốn dẻo linh hoạt hơn, tập được nhiều bài tập khó hơn. Thế nên, thông tin tử vong do tập yoga bay hiện nay khiến nhiều chị em khá lo lắng.
Vậy Yoga bay khác Yoga truyền thống ra sao? Khi tập cần lưu ý những điều quan trọng nào để tránh xảy ra chấn thương, tai nạn đáng tiếc? HLV Ngọc Phạm (huấn luyện viên Yoga bay, làm việc tại Hà Nội) sẽ trả lời chị em ngay trong bài viết này.
Yoga bay là gì?
HLV Ngọc Phạm chia sẻ, Yoga bay là bộ môn pha trộn giữa nghệ thuật nhào lộn trên không với các tư thế Yoga cổ điển, được phát triển từ những năm 2000. Học viên sẽ được tập luyện các bài tập cùng 1 chiếc võng lụa mềm mại treo cách mặt sàn khoảng 1m.
"Yoga bay là sự kết hợp các động tác yoga truyền thống và nghệ thuật biểu diễn trên không", HLV Ngọc Phạm chia sẻ.
Tập yoga bay cần lưu ý những gì để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc?
Theo HLV Ngọc Phạm, tai nạn hay chấn thương khi tập luyện nói chung có thể xảy ra ở bất kì bộ môn nào không chỉ riêng trong lớp Yoga bay.
"Có rất nhiều nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan dẫn tới chấn thương từ nhẹ tới nặng. Thậm chí nhiều trường hợp tử vong trong quá trình tập luyện thể thao ở cả dân chuyên và không chuyên nên khi chưa tìm hiểu kỹ sự việc rất khó để khẳng định trường hợp người tập trong bài viết tử vong chính xác nguyên nhân tử do đâu", HLV Ngọc Phạm cho hay.
Để đảm bảo an toàn cho học viên khi tập luyện, người giáo viên cần trang bị đủ kiến thức về an toàn lớp học, có kỷ luật và nghiêm túc và thái độ đúng với bộ môn mình đang giảng dạy. Không học qua loa để dạy cho xong vì cho rằng đây là 1 bộ môn đang hot. Thêm nữa, huấn luyện viên cần biết cách quan sát để hỗ trợ học viên kịp thời.
Ngoài ra, giáo viên cũng cần hiểu đuợc cả những ưu và nhược điểm của bộ môn mình đang giảng dạy để phát huy hay khắc phục mang đến sự an toàn cho học viên.
Đối với người tập cần hiểu cơ thể, tình trạng sức khoẻ và thể lực của bản thân để cân đối và lựa chọn bộ môn phù hợp.
Ở góc độ người tập, bạn cần hiểu về tình trạng sức khoẻ của bản thân, mục đích đến với lớp tập. Nên mạnh dạn tương tác và chia sẻ với giáo viên của mình để được hỗ trợ tập luyện một cách hiệu quả nhất, tránh những rủi ro không đáng có.
Lưu ý về sức khỏe khi tập Yoga
HLV Ngọc Phạm cho biết, với một số trường hợp đặc biệt như phụ nữ mang thai, người gặp vấn đề về xương khớp, phẫu thuật cột sống, người đang gặp chấn thương, vấn đề tim mạch, hệ tuần hoàn, người béo phì, tiểu đường, tăng nhãn áp, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và huấn luyện viên trước khi tham gia lớp tập Yoga bay.
Dải lụa mềm là dụng cụ tập luyện trong các lớp Yoga bay. Khi tập luyện, người tập sẽ dồn một phần hoặc toàn bộ trọng lượng vào võng, khi đó võng sẽ rất căng. Chính sức căng này cho phép cơ thể người tập được giữ chắc trên dây. Nhưng căng đồng nghĩa với việc phần cơ thể trên võng sẽ bị siết chặt lại.
Trong một số trường hợp, học viên có thể giảm đau bằng cách học gồng và siết cơ với một lực vừa đủ. Với các học viên mới đây có thể là cảm giác không mấy dễ chịu nên lúc này sẽ cần kinh nghiệm của huấn luyện viên để hỗ trợ học viên điều chỉnh, giúp họ cảm thấy thoải mái hơn.
Rất nhiều tư thế trong Yoga bay, học viên sẽ được treo người trên cao và khoá chắc trên võng, kỹ năng của huấn luyện viên là sẽ giúp học viên vào tư thế và thoát tư thế (hạ sàn) một cách an toàn. Vậy nên, học viên không nên tự tập Yoga bay một mình tại nhà khi chưa đủ thể lực và kinh nghiệm tập luyện. Ngoài ra cần tránh đeo đồ trang sức trong khi tập Yoga bay vì các vật này dễ bị mắc vào võng trong quá trình tập, không an toàn cho chính người tập.