Vụ việc bé gái 5 tuổi bị xâm hại và sát hại tại một bãi đất trống ở tỉnh BR-VT khiến dư luận chưa hết bàng hoàng và xót xa. Điều đáng nói, thủ phạm không ai khác lại chính là người hàng xóm thân thiết và có giao hảo rất tốt với gia đình nạn nhân.
Sự việc khiến người dân vô cùng phẫn nộ. Nhiều người còn đặt ra câu hỏi "phải chăng kẻ xấu đang ở rất gần chúng ta?" hoặc "chính là người thân thiết nhất với chúng ta". Quả đúng như vậy, các bậc cha mẹ có kỹ lưỡng đến mức nào cũng không thể ngờ rằng "yêu râu xanh" đó lại chính là "người anh em tốt" ở ngay bên cạnh. Vì vậy, phụ huynh muốn bảo vệ con tốt nhất, chính là hướng dẫn con cách tự bảo vệ mình.
Cùng quan điểm đó Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương đã phải lên tiếng và nêu ra quan điểm cá nhân của mình: "Nhưng đau rồi, mình còn phải nhìn lại, mình đã dạy con tự vệ chưa? Bởi vì chỉ có chính con giúp được con nhiều nhất trong những tình huống thế này".
Số liệu từ Bộ Công an (2011 - 2015) cho thấy, tại Việt Nam phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em, với gần 10.000 nạn nhân, trong đó số vụ bị xâm hại tình dục là 5.300 vụ. Với con số đáng báo động trên, những bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý và hướng dẫn con cách tự phòng tránh những bất trắc có thể xảy ra.
Quy tắc đồ lót
Các bậc cha mẹ nên cho con mặc đồ lót từ sớm, tốt nhất từ khoảng 3 tuổi, rồi dặn con khu vực bên trong đồ lót là bất khả xâm phạm.
Bất kể ai động vào khu vực đó mà chưa có sự đồng ý của con thì đều là người xấu, dù có là người thân thiết. Trẻ biết được quy tắc đồ lót có thể giữ gìn bản thân tránh khỏi phần lớn các nguy cơ bị xâm hại.
NSPCC - một tổ chức chuyên bảo vệ trẻ em tại Anh cũng kêu gọi các phụ huynh nên dạy cho con của mình ngay về quy tắc PANTS Rules (quy tắc đồ lót) để phòng ngừa các nguy cơ xâm hại.
P – Privates are private (Riêng tư là riêng tư)
Bạn hãy nói với bé rằng không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của bé, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay bố mẹ.
Tuy nhiên, bác sĩ y tá cần phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, phải giải thích cho con là họ cần chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của con.
A – Always remember your body belongs to you (Luôn nhớ cơ thể con thuộc về con)
Hãy nói cho bé biết rằng cơ thể bé là thuộc về chính bé. Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói "Không".
N – No means no (Không là không)
Giúp trẻ nhận thức được rằng trẻ có quyền nói "không" với những động chạm bé không thích từ bất cứ ai, kể cả các thành viên trong gia đình.
T – Talk (Nói về những điều bí mật khiến con buồn)
Hãy thủ thỉ, tâm sự với bé để bé hiểu bí mật nào là "tốt" và "xấu".
Cha mẹ giải thích cho con về sự khác biệt giữa những bí mật "tốt" và "xấu". Những câu như "đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình" thường của những kẻ lạm dụng khiến trẻ con cảm thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe.
Những bí mật "tốt" có thể là món quà hay bữa tiệc. Những bí mật "xấu" là cái khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi. Vì thế, con cần nói ra.
S – Speak up (Lên tiếng)
Hãy nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng, có thể nói với bố mẹ, hay chị gái, cô giáo...
Quy tắc 4 vòng tròn
- Vòng tròn 1: Bên trong vòng màu xanh ở chính giữa có bố mẹ đẻ. Đó là những người chăm sóc dạy dỗ con, nên được phép động vào một số bộ phận trên cơ thể của con, trừ khu vực đồ lót.
- Vòng tròn 2: Phần giữa vòng màu xanh và vàng là khu vực của người nhà, đó là ông bà, anh chị em…. Những người đó chỉ được cầm tay con, hạn chế tối đa động vào khu vực khác.
- Vòng tròn 3: Giữa vòng vàng và đỏ là những người quen (hàng xóm, bạn bố mẹ….) con chỉ nên bắt tay nếu họ yêu cầu. Còn tuyệt đối không cho họ động vào các phần khác của cơ thể.
- Vòng tròn 4: Bên ngoài vòng màu đỏ là người lạ. Tuyệt đối xua tay nếu họ đến quá gần, nếu cần thì chạy trốn.
Cách giúp trẻ thoát thân khi gặp nguy hiểm
- Đầu tiên cha mẹ nên hướng dẫn con thế nào là người lạ: Là những người con không quen biết, chưa từng tiếp xúc hoặc chưa gặp bao giờ.
- Hô lớn: Hãy hô lớn “cháy nhà” sẽ khiến những người xung quanh (nếu có) lao ra ngoài để xem. Kẻ gian nghe thấy sẽ giật mình sợ hãi nên giật tay ra và chạy hoặc hét to “dừng lại ngay / đây không phải ba mẹ cháu!”.
- Trẻ cũng có thể gây tiếng ồn lớn bằng cách đạp vào vật gì, ném đồ vật như cặp, sách, vở để gây sự chú ý của những người xung quanh. Khi bắt gặp tiếng hét lớn của trẻ những kẻ bắt cóc sẽ bối rối và tránh ra xa sớm.
- Dùng thể lực: Để thoát khỏi kẻ bắt cóc, trẻ cũng cần có thể lực. Hãy hướng dẫn trẻ cách dùng lực tấn công ở 3 vị trí bất lợi của đối phương là ức, cằm, hạ bộ với 4 hành động: hét, cắn, đá, chạy.
- Tuy nhiên trong trường hợp tên bắt cóc có vũ khí thì cần dạy trẻ để tránh bị thương. Trường hợp này trẻ cũng khó gào thét, kêu cứu hay giãy giụa nhằm thoát khỏi kẻ xấu. Vì vậy, hãy dạy trẻ tuyệt đối không được đi theo người lạ đến nơi vắng vẻ.
- Ngoài ra, các bậc phụ huynh hãy thiết lập một mật mã mà chỉ ba mẹ và trẻ biết, mật mã dễ nhớ và gần gũi với trẻ. Điều này là cần thiết để trẻ có thể đối phó được với những kẻ buôn người.
Ngoài ra, những bậc cha mẹ nên hạn chế đăng tải hình ảnh, video về con lên mạng xã hội, đặc biệt là những hình ảnh có lộ những phần nhạy cảm trên cơ thể. Hơn hết, cha mẹ cần gần gũi, trò chuyện và quan tâm đến con để kịp thời phát hiện ra những dấu hiệu bất thường mà con đang gặp phải.