Khoảng hơn hai tuần sau khi nới lỏng một số biện pháp kiểm soát COVID-19, số ca mắc mới hằng ngày của Trung Quốc đã chạm mốc kỷ lục. Ngày 28/11, Trung Quốc ghi nhận 40.052 ca mắc COVID-19 mới (bao gồm 36.304 ca không triệu chứng), lập kỷ lục ngày thứ năm liên tiếp.
Các siêu thành phố như Quảng Châu và Trùng Khánh, với hàng nghìn ca nhiễm, đang vật lộn để ngăn chặn số ca bệnh gia tăng.
Trước đó, số ca COVID-19 bắt đầu tăng trên khắp Trung Quốc kể từ đầu tháng 10, được cho là do các biến thể phụ mới của chủng Omicron, có khả năng lây nhiễm cao nhưng ít gây chết người hơn. Số ca bệnh nặng tương đối thấp. Tất cả bệnh nhân tử vong đều trên 80 tuổi và có bệnh lý kèm theo.
Tuy nhiên theo Giáo sư Benjamin Cowling, người đứng đầu bộ phận dịch tễ học và thống kê sinh học tại Đại học Hồng Kông (Trung Quốc), làn sóng này về lâu dài có nguy cơ tạo gánh nặng cho hệ thống y tế.
Và “nếu Trung Quốc muốn thay đổi cách ứng phó, họ nên dành ít nguồn lực hơn cho xét nghiệm hàng loạt, thay vào đó dành nhiều nguồn lực hơn cho việc tiêm chủng và giáo dục cộng đồng”, Cowling nhận định.
Hồi giữa tháng 11, Trung Quốc ban hành một số quy định sửa đổi về công tác phòng dịch theo hướng nới lỏng, làm dấy lên đồn đoán rằng nước này sẽ sớm bắt đầu tiến tới mở cửa trở lại hoàn toàn. Nhưng việc số ca nhiễm gia tăng trở lại đã dập tắt hy vọng mở cửa của nhà đầu tư.
Giá cổ phiếu và hàng hóa giảm mạnh vào thứ Hai khi các nhà đầu tư lo ngại về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã giảm 4,16% khi bắt đầu giao dịch. Chỉ số CSI300 của Trung Quốc cũng giảm 1,8% sau khi mở cửa.
Tương tự, giá dầu thô Mỹ đã giảm 3% xuống 73,99 đô la/thùng và dầu thô Brent giảm 2,86% xuống 81,24 đô la/thùng.