Im lặng trong hôn nhân bắt đầu từ những khoảng trống vô hình, thành thói quen bên nhau, rồi lại trở nên không cần nhau nữa...
Những khoảng trống vô hình chất chồng
Tôi từng nghe một người vợ kể rằng, chồng cô ấy ngày trước chưa từng biết uống rượu. Vậy mà lại một ngày chồng say bí tỉ mà ngoại tình, sa đà trong cám dỗ. Cô ấy cho rằng đó là sự phản bội quá lố lăng, một người chồng từng tử tế bỗng chốc đổi thay dối lừa, khó mà chấp nhận được. Nhưng thật ra, sau này rồi cô ấy mới biết những đêm cô ấy không về nhà vì ham công tiếc việc, chồng mới bắt đầu tìm đến rượu bia. Những ngày cô ấy bỏ bê gia đình, chồng mới bắt đầu đổi thay. Cơn say kia đâu phải chỉ là ngày một ngày hai. Khoảng trống quá lớn kia chính là tích góp của bao ngày tháng dần xa nhau. Để đến khi say bí tỉ, xa vời vợi, người ta cũng đã không còn tìm thấy nhau được nữa.
Người ta thường không nhìn thấy những khoảng trống vô hình trong hôn nhân, những im lặng tưởng chừng như vô hại. Mỗi ngày mỗi ngày đều có, như hôm nay vì sao em buồn, vì sao anh vô tâm, vì sao chúng ta không nói chuyện với nhau… Đến khi phát hiện thì đã chất chồng tới mức chẳng còn thấy đối phương đang ở bên. Lúc đó lại tự hỏi, làm sao một người có thể thay đổi nhiều đến thế. Mà thật ra, sự đổi thay của mỗi con người đâu phải là sớm chiều. Trong từng khoảng trống không đuổi kịp nhau, không hiểu hết nhau, không nhìn thấy hết tâm tình của nhau sẽ dần biến hóa thành sự thay đổi. Những thay đổi nhỏ, rồi sẽ thành lớn. Để đến khi nhận ra thì chỉ thấy nhau xa lạ đến vô cùng.
Hai con người sống cạnh nhau như thói quen
Vợ chồng đều có thể nhìn nhau mỗi ngày. Suốt năm suốt tháng nhìn mãi rồi lại không còn chủ động tìm nhau nữa. Đến một lúc, người này làm gì người kia cũng không biết, người kia làm gì người này cũng không hay. Vì họ đều tin rằng đối phương vẫn ở đó, như một lẽ dĩ nhiên, một thói quen không thể bỏ. Vậy là cứ ít nhìn nhau đi, ít nói với nhau hơn, rồi đến một lúc cứ im lặng bên nhau không một lời.
Nhưng thói quen ấy nghĩ là đúng, mà thật ra lại càng khiến vợ chồng xa nhau. Vì xem là dĩ nhiên nên không còn cố giữ mỗi ngày. Vì xem là thói quen nên không sợ mất. Điều đáng sợ nhất trong hôn nhân không phải là có kẻ thứ ba xuất hiện, mà là vợ chồng đã không còn sợ mất nhau. Đã thế thì sẵn sàng lạc bước chân nhau, sẵn sàng trở nên vô tâm và hờ hững. Nhưng hôn nhân đâu thể không cần giữ mà vẫn vẹn nguyên. Cuộc đời này có thể ném vô vàn điều tồi tệ vào cuộc hôn nhân chỉ còn chút hơi tàn để duy trì. Để đến một lúc, mọi thứ đều nhạt, con người cũng không thiết tha nhau, kết thúc hóa ra lại là một giải thoát.
Im lặng trong hôn nhân là một cách nói khác của hai từ “tan vỡ”
Mở đầu cho một cuộc tan vỡ chính là sự im lặng chết chóc. Khoảng trống, không còn cần nhau khiến người ta không còn muốn lên tiếng. Như kiểu nói thêm để được gì, đối phương đâu còn như trước. Hay là nói nữa để làm gì, cũng có ai chịu lắng nghe. Hoặc là tệ hơn khi một người chẳng muốn nói nữa, còn một người lại đợi để được lắng nghe. Vết nứt lớn nhất trong hôn nhân không phải là ai đổi thay trước, mà là sự im lặng kéo dài.
Phải chi có thể lên tiếng, có thể ngồi lại để nói hết những gì đã từng đổi thay, đã từng không như trước. Phải chi có thể nghe người kia nói một lần rồi thôi, nói đến cùng để tìm đường hàn gắn lần nữa. Phải chi nếu không im lặng, chắc tan vỡ đã không đến.
Bởi thế, trong hôn nhân, đừng im lặng với nhau. Đừng nghĩ ngày mai sẽ nói, hay là sau này sẽ nói. Vì có những điều, nếu không nói sẽ quên, nếu không được nghe sẽ không thể thấu hiểu. Con người mỗi ngày đều đổi thay, từng chút một. Để hiểu hết một người cả đời không đơn giản, để bắt kịp nhau suốt tháng năm cũng không hề dễ. Nhưng nếu có thể nói với nhau, để nhau thấy, tìm được tiếng nói để dẫn lối, thì chẳng có tan vỡ nào đủ sức kéo đến.