Cải kale hoặc cải xoăn là một loại rau ăn lá có màu xanh đậm với nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Tại Việt Nam, cây cải này chỉ mới được nhập khẩu từ năm 2015 và được trồng nhiều ở vùng khí hậu lạnh. Loại cây này có lá có màu xanh hoặc tím, xoăn tít, cuống lá dài và có màu theo lá. Sau khi gieo trồng, kale có thể cho thu hoạch sau 70 - 90 ngày.
Thành phần dinh dưỡng có trong cải kale
-Vitamin A, vitamin K, vitamin C, mangan, canxi, đồng, kali, magie, sắt và phốt pho.
-Nhóm vitamin B: Vitamin B1 (Thiamin), vitamin B2 (Riboflavin), vitamin B3 (Niacin), vitamin B6.
-Chất xơ, protein, tinh bột.
-Hàm lượng calorie và chất béo trong loại rau này rất thấp. Tuy vậy, phần lớn chất béo trong đó lại là axit alpha linolenic, một loại axit béo omega-3 mang đến nhiều ích lợi sức khỏe.
-Các hoạt chất có tính chống oxy hóa cao, nhờ đó góp phần tăng cường sức khỏe và phòng ngừa các khối u ác tính hình thành.
Công dụng của cải kale đối với sức khỏe
-Tăng cường sức khỏe tim mạch: Có chứa rất nhiều vitamin C, vitamin K và axit béo omega-3. Đây đều là những chất rất tốt cho tim mạch. Nhiều nghiên cứu còn cho thấy, uống nước ép cải xoăn liên tục trong 12 tuần có thể giúp tăng 27% cholesterol tốt và giảm 10% cholesterol xấu.
-Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường: Trong cải kale chứa hàm lượng chất xơ cao (trong 67g cải kale chứa khoảng 2g chất xơ), vì vậy đây là loại thực phẩm được khuyên sử dụng trong bữa ăn hàng ngày của nhiều bệnh nhân tiểu đường.
-Giảm cân: Loại rau này chứa nhiều nước, giúp cho người ăn cảm thấy no lâu và không mệt. Ngoài việc ăn sống, nhiều người còn ép lấy nước uống.
-Phòng chống ung thư: Nhờ chứa nhiều hợp chất glucosinat, nên cải kale được cho là thực phẩm phòng chống ung thư rất tốt.
-Ngoài ra, còn có nhiều công dụng như cải thiện thị lực, giúp tóc, xương, răng chắc khỏe, hỗ trợ tiêu hóa và tuần hoàn não.
Một số lưu ý khi sử dụng cải xoăn trong bữa ăn hàng ngày
Cải kale chứa một lượng kali tương đối cao, đặc biệt là cải kale nấu chín. Việc ăn nhiều cải này khiến cho lượng kali trong máu tăng cao, gây ảnh hưởng đến các bệnh nhân đang sử dụng thuốc chẹn beta và người bị suy thận.
Ngoài ra, vitamin K có trong cải kale không thích hợp với những người đang dùng thuốc chống đông máu. Ăn loại rau này với số lượng lớn đôi khi cũng có thể khiến tuyến giáp phát triển to ra. Nó chứa thiocyanate, hoạt chất có thể gây ra sự thiếu hụt i-ốt, dẫn đến bị suy giáp.
Vì thành phần dinh dưỡng cao, hạt dễ gieo, ăn lại ngon, nên nhiều "mẹ đảm" đã tìm cách trồng cho gia đình mình một vườn cải kale xanh tươi này.
Mới đây, trên 1 group facebook, chị Hà My chia sẻ cách để có một vườn cải kale ngon và không hóa chất:
- Trước khi trồng mình ủ đất, làm đất 1 tháng bao gồm xơ dừa + trấu húng đen + thức ăn thừa đã ủ là tha hồ cho vụ mùa rồi.
-Về phần dinh dưỡng cho cây ăn lá này thì mình bón phân dơi, bột nén hữu cơ và nước dung dịch chuối chín tự làm, ngoài ra không hề dùng bất cứ 1 loại phân hoá học nào cả, vì nếu dùng thì sẽ ảnh hưởng đến đất, phá hoại các vi sinh có lợi trong đất , chỉ bón phân hữu cơ theo giai đoạn từng kì thôi vì trong đất dinh dưỡng cũng đã khá ổn rồi nhé.
Cải kale chứa thành phần dinh dưỡng cao và tương đối dễ trồng, vì vậy hãy bắt tay ngay vào việc cải tạo mảnh vườn, trồng thêm nhiều rau xanh đặc biệt là cải kale để bữa ăn của gia đình bạn trở nên phong phú và giàu dinh dưỡng hơn.