Cháy nhà vì chăn điện
Mới đây, trường hợp của gia đình anh V.T.C (trú tại Đống Đa, Hà Nội) bị cháy vì chăn điện chập điện khiến nhiều người bàng hoàng. Dù không có thiệt hại gì về người nhưng thêm một bài học cảnh tỉnh việc sử dụng chăn điện bừa bãi.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại chăn điện, gối điện bán với giá từ hơn 100 nghìn đến hàng triệu đồng, giá cả đa dạng và chất lượng cũng trên trời chưa ai kiểm chứng.
TS Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng bộ môn thiết bị điện, khoa Điện, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết gần đây nhất gia đình ông cũng là nạn nhân của chăn điện. Theo TS Thịnh chiếc gối điện gia đình ông dùng bỗng nhiên bị chập, cháy khét lẹt, làm sập toàn bộ hệ thống điện trong gia đình.
Do có kiến thức và kỹ năng về điện nên ông đã xử lý ngay lập tức không gây thiệt hại gì về tài sản. Nguyên nhân gây chập điện do chiếc gối sạc điện đã đủ điện nhưng không tự ngắt nóng quá gây chập điện làm chập toàn bộ mạch điện trong nhà.
TS Thịnh cho rằng gia đình ông đã may mắn vì các thành viên đều ở nhà. Nếu chiếc chăn điện chập điện xảy ra khi không ai ở nhà hoặc đang ngủ không biết thì có thể gây cháy nổ nguy hiểm đến tính mạng.
"Hiện nay, trên thị trường chăn điện có đủ loại nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng nên việc sử dụng trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết", TS Thịnh cho biết.
Về nguyên lý, chăn, gối điện phải tự ngắt khi đủ nhiệt. Sau đó, nếu nhiệt độ giảm thì rơ le lại được bật. Không những thế, khi sử dụng các dây điện trong chăn có thể bị đứt, ngấm nước mà người sử dụng không biết nên khi cắm điện vào sẽ gây giật. Đặc biệt với các loại chăn, gối điện giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Các dây điện lắp trong chăn không dẫn điện tốt có thể bị đứt; hộp cảm biến bị hỏng không điều chỉnh được nhiệt độ khiến nhiệt độ tăng cao không kiểm soát được.
TS Thịnh chia sẻ ông sẽ không dùng các loại gối sưởi, chăn sưởi điện để đảm bảo an toàn. Còn với người tiêu dùng nếu vẫn muốn sử dụng không nên tham rẻ mua loại túi sưởi, chăn điện không có nguồn gốc rõ ràng.
Ngoài ra, cần lưu ý tuyệt đối không sử dụng túi khi đang cắm điện. Khoảng cách an toàn khi đang cắm điện là cách xa người 2m. Nên kiểm tra túi, chăn điện trước khi cắm xem có bị rách hay rò rỉ nước hay không; để túi, khăn điện trên bề mặt phẳng khi sạc điện, không nên cắm điện quá lâu.
Bỏng vì túi sưởi
PGS TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết ông đã từng cấp cứu cho một trường hợp bệnh nhi 8 tuổi bị bỏng nặng do vỡ túi sưởi điện khi đang sưởi.
Theo người nhà bệnh nhi, đi học về lạnh quá nên cháu lấy túi sưởi điện cho bé ủ tay nhưng sau đó túi sưởi phát nổ khiến dịch từ túi sưởi đổ vào chân gây bỏng chân lột da.
Sau khi sơ cứu, chống sốc cho bé, các bác sĩ đã chuyển bé xuống viện Bỏng quốc gia để điều trị bỏng.
Tại Bệnh viện Sản Nhi (Nghệ An), các bác sĩ đã ghi nhận trường hợp bỏng nặng do túi sưởi phát nổ. Chị Nguyễn Thị L. (trú tại Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết chị cắm túi sưởi để sưởi ấm cho con nhưng túi sưởi đã phát nổ khiến con chị bị nước từ túi sưởi đổ lên chân. Chị vội vàng cởi quần áo cho con thì phát hiện chân con bị bỏng lột hết da.
Chị L. cũng bị bỏng cả ở hai chân. Nhìn đứa con gái 17 tháng tuổi đang vật vã vì đau, chị L. chỉ khóc. Chị cũng không biết túi sưởi lại gây tai nạn cho hai mẹ con mình nhanh thế.
PGS TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo nguy hiểm nếu cho trẻ sử dụng túi sưởi điện, chăn điện vì chất lượng không đảm bảo sẽ gây nổ, chập điện có thể nguy hiểm tới tính mạng trẻ.
Ông cũng khuyến cáo ngày lạnh chỉ cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, hạn chế đưa trẻ ra ngoài trời lạnh. Trẻ đi học cần mặc ấm và kín gió là đủ thay vì dùng các thiết bị sưởi như đèn sưởi, túi sưởi, chăn điện.