Tổ chức Y tế Thế giới vừa tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang lan rộng ở hơn 70 quốc gia là một tình huống “bất thường” và xem đây là tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Triệu chứng mắc bệnh này thường khó phát hiện và dễ bị nhầm sang các bệnh đường sinh dục khác.
Ở người, triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ tương tự nhưng nhẹ hơn khi mắc bệnh đậu mùa.
Người bệnh sẽ khởi phát với tình trạng sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, kiệt sức, ớn lạnh. Đặc biệt, triệu chứng đặc hiệu để phân biệt hai loại bệnh đậu mùa là vết sưng ở hạch bạch huyết. Người mắc đậu mùa khỉ sẽ bị nổi hạch, trong khi bệnh nhân bị đậu mùa thì không.
Thời gian ủ bệnh (từ khi nhiễm virus đến khi có triệu chứng) là 7-14 ngày, đôi khi kéo dài 5-21 ngày. Các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.
Trong vòng 1-3 ngày (có thể lâu hơn) sau khi bị sốt, bệnh nhân sẽ xuất hiện phát ban khó chịu. Các vết phát ban thường bắt đầu ở mặt, sau đó lan sang những bộ phận khác của cơ thể.
Các tổn thương trên cơ thể người bệnh sẽ trải qua quá trình từ rát (tổn thương phẳng) đến sẩn (tổn thương nổi), mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch) sau đó là mụn mủ. Cuối cùng, các vết tổn thương đóng vảy trước khi rụng hết và khỏi bệnh, để lại sẹo.
Bệnh thường kéo dài trong 2-4 tuần. Ở châu Phi, bệnh đậu mùa khỉ đã được chứng minh là có thể gây tử vong cho 1/10 người mắc.
Triệu chứng đang thay đổi dễ gây nhầm lẫn
CDC Mỹ khuyến cáo người dân nên tránh tiếp xúc thân mật với những người đang bị phát ban giống đậu mùa khỉ và xem xét hạn chế quan hệ tình dục với nhiều bạn tình hoặc bạn tình ẩn danh. Mọi người cũng nên cân nhắc tránh các bữa tiệc tình dục hoặc sự kiện mà người tham gia không mặc nhiều quần áo.
Theo CDC, những cá nhân quyết định quan hệ tình dục với người mắc đậu mùa khỉ nên tuân thủ hướng dẫn mà cơ quan này ban hành để giảm nguy cơ bị lây nhiễm như hạn chế tiếp xúc các vết mụn nước, thủ dâm cách xa 2 m...
Trước đây, bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu với các triệu chứng tương tự cúm như sốt, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết. Sau đó, bệnh phát triển thành các mụn nước có thể lan rộng khắp cơ thể. Bệnh nhân được coi là dễ lây nhiễm nhất khi các mụn nước chảy mủ.
Nhưng trong đợt bùng phát hiện tại, các triệu chứng không điển hình. Một số người gặp phát ban, mụn nước đầu tiên rồi mới tới sốt, nhức đầu... Trong khi đó, những người khác lại bị phát ban và không thêm bất kỳ triệu chứng giống cúm nào. Nhiều bệnh nhân đã bị mụn rộp khu trú trên bộ phận sinh dục và hậu môn.
CDC và WHO cho biết mụn rộp, phát ban rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lây truyền qua đường tình dục thông thường. Do đó, không nên loại trừ đậu mùa khỉ nếu người bệnh dương tính với virus gây bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Nhiều ca đã được phát hiện đồng nhiễm hai bệnh này.
Theo CDC, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan qua các giọt bắn đường hô hấp nhưng cách lây lan này đòi hỏi phải có sự tương tác trực diện lâu dài. Ngoài ra, giới chức y tế không cho rằng virus này lây qua các sol khí nhỏ như SARS-CoV-2.
Bệnh đậu mùa khỉ cũng có thể lây lan khi tiếp xúc với các vật liệu bị ô nhiễm, chẳng hạn khăn trải giường và quần áo. Các chuyên gia nhấn mạnh bệnh này có thể lây lan nhưng không phải bệnh truyền nhiễm như Covid-19.
Vaccine
Đậu mùa khỉ không phải loại virus mới. Không có vaccine được bào chế riêng để phòng ngừa bệnh này, song, nhờ sự tương đồng của nó với virus đậu mùa, giới y tế đã sử dụng vaccine và thuốc kháng đậu mùa để ngăn ngừa, điều trị cho người mắc bệnh.
Mỹ đã phân phối hàng chục nghìn liều vaccine có tên Jynneos như một nỗ lực dập tắt dịch bệnh. Năm 2019, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đã phê duyệt vaccine hai liều cho người lớn từ 18 tuổi trở lên, những người có nguy cơ cao mắc bệnh đậu mùa khỉ hoặc bệnh đậu mùa.
Chính quyền Biden đã phân phối hơn 300.000 liều Jynneos cho các tiểu bang và thành phố kể từ tháng 5 và 786.000 liều khác đang được chuyển đến Mỹ. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh nước này đã đặt hàng thêm 5 triệu liều nữa cho đến năm 2023.
Giám đốc CDC, tiến sĩ Rochelle Walensky, cho biết nhu cầu vaccine phòng đậu mùa khỉ đang vượt xa nguồn cung hiện có của nước Mỹ. Điều này đã dẫn đến việc các nơi như New York - tâm điểm của làn sóng đậu mùa khỉ tại Mỹ - phải xếp hàng chờ đợi rất lâu.
Jynneos do công ty công nghệ sinh học Bavarian Nordic, trụ sở ở Đan Mạch, sản xuất. Hiện tại, ngoại trừ Mỹ, Bavarian Nordic có 5 triệu liều vaccine để cung cấp cho phần còn lại của thế giới. Hãng dược này có khả năng sản xuất 40 triệu liều đông lạnh lỏng và 8 triệu liều đông khô mỗi năm.
Mỹ cũng đang có hơn 100 triệu liều vaccine đậu mùa thế hệ cũ là ACAM2000 do BioSolutions sản xuất. Vaccine này có hiệu quả trong ngăn ngừa đậu mùa khỉ, song, nó gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng và không được khuyến cáo dùng cho những người có hệ thống miễn dịch kém, bao gồm cả bệnh nhân HIV, những người có một số tình trạng về da và phụ nữ mang thai.
ACAM2000 sử dụng chủng virus nhẹ cùng họ với đậu mùa khỉ để tạo miễn dịch. Nhưng chủng này dù đã nhẹ vẫn có thể tái tạo. Điều này đồng nghĩa người được tiêm vaccine ACAM2000 phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo họ không truyền virus cho người khác hoặc lây lan phát ban từ chỗ tiêm sang các bộ phận khác của cơ thể. Vaccine Jynneos không có nguy cơ này vì nó không sử dụng chủng virus đang tái tạo.
Theo CDC, vẫn chưa có dữ liệu về hiệu quả của vaccine phòng bệnh đậu mùa ở khỉ trong đợt bùng phát hiện nay.
WHO không khuyến nghị tiêm chủng hàng loạt vào thời điểm này. Không giống Covid-19, vaccine phòng bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ có thể được tiêm sau khi tiếp xúc do thời gian ủ bệnh dài. Tuy nhiên, CDC khuyến cáo các loại vaccine cần được tiêm trong vòng 4 ngày kể từ khi người bệnh phơi nhiễm để có hiệu quả ngăn ngừa tốt nhất.