Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã từng nghe lời khuyên ‘hãy có một chế độ ăn cầu vồng’, nghĩa là bao gồm nhiều loại trái cây, rau củ nhiều màu sắc và các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật khác.
Nhưng bạn đang tiêu thụ bao nhiêu thực phẩm màu đỏ, xanh lam và tím? Không phải những viên kẹo hay bánh cupcake màu sắc, điều mà các chuyên gia đang muốn nói tới là các loại trái cây và rau quả như việt quất, bắp cải tím và cà tím.
Những thực phẩm đầy màu sắc này mang lại một số lợi ích lớn nhờ một loạt các hợp chất thực vật hỗ trợ sức khỏe tổng thể.
Dưới đây, chuyên gia dinh dưỡng Anh Sophie Trotman tiết lộ chính xác lý do tại sao bạn cần bắt đầu ăn nhiều hơn những thực phẩm có màu đỏ, xanh lam và tím này.
Hỗ trợ sức khỏe tim, não và gan
Sophie cho biết các hợp chất thực vật chứa trong những loại rau củ, trái cây kể trên có nhiều lợi ích khác nhau.
Một trong những hợp chất nổi bật là anthocyanin, có đặc tính chống oxy hóa. Sophie nói: "Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại do oxy hóa. Anthocyanin có liên quan đến tác dụng chống viêm, cải thiện sức khỏe tim mạch và có thể chống ung thư".
Ngoài ra, "resveratrol là một hợp chất thực vật có trong nho đỏ, quả mọng và sô cô la đen, cũng có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm. Resveratrol có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh tim, tăng cường sức khỏe não bộ và có đặc tính chống lão hóa", Sophie nói.
Tiếp theo là lycopene, chịu trách nhiệm tạo màu đỏ trong cà chua, dưa hấu và các loại trái cây màu đỏ khác như dâu tây.
"Đó là một chất chống oxy hóa mạnh có thể giúp bảo vệ chống lại một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt", Sophie nói. "Lycopene cũng có liên quan đến lợi ích sức khỏe tim mạch".
Thứ tư là betalain. Chất này "được tìm thấy trong trái cây và rau màu đỏ và tím, chẳng hạn như củ cải đỏ và bắp cải tím, có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, đồng thời có thể hỗ trợ chức năng gan, giúp giảm viêm và có khả năng chống ung thư", nữ chuyên gia dinh dưỡng phân tích.
Phòng ngừa bệnh tật
Đặc tính chống viêm của thực phẩm màu đỏ, xanh lam và tím có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh do viêm mãn tính.
"Cuộc sống hiện đại dễ gây viêm nhiễm. Căng thẳng, uống rượu, hút thuốc, thực phẩm siêu chế biến, đường và các chất ô nhiễm có thể gây viêm nhiễm trong cơ thể", Sophie giải thích.
Nữ chuyên gia nói chứng viêm là gốc rễ của nhiều tình trạng, như bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2, hội chứng ruột kích thích, bệnh Alzheimer và một số loại ung thư.
"Tất nhiên, việc giảm nguy cơ mắc những tình trạng này đòi hỏi nhiều hơn là chỉ tiêu thụ những thực phẩm kể trên, nhưng ăn những thực phẩm này là một bước đi đúng hướng".
Tăng cường sức khỏe đường ruột
Đường ruột khỏe mạnh không chỉ giúp chúng ta đi vệ sinh dễ dàng mà còn hỗ trợ tâm trạng tốt và duy trì mức năng lượng ổn định.
"Thực phẩm màu đỏ, xanh lam và tím tốt cho sức khỏe đường ruột vì chúng chứa chất xơ, giúp duy trì nhu động ruột đều đặn. Và nhiều loại thực phẩm trong số đó còn có chứa một loại chất xơ cụ thể gọi là prebiotic".
Sophie giải thích: "Các vi khuẩn tốt trong ruột thích ăn prebiotic và tạo ra các chất chuyển hóa có lợi giúp cải thiện sức khỏe đường ruột và có khả năng chống viêm".
Cải thiện năng suất
"Những loại thực phẩm này có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau, bao gồm cả sức khỏe của não bộ", Sophie phân tích.
"Anthocyanin đã được chứng minh là cải thiện trí nhớ và chức năng nhận thức. Resveratrol có liên quan đến việc cải thiện sức khỏe não bộ và bảo vệ chống lại sự suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi tác. Belatin cũng có thể tăng cường chức năng nhận thức".
"Quả việt quất thậm chí còn được gọi là "quả mọng của não" do những lợi ích mà chúng mang lại cho khả năng nhận thức".
Gợi ý các loại thực phẩm màu đỏ, xanh lam và tím
Đây không phải là các thực phẩm quá đắt đỏ. Về trái cây, Sophie khuyên dùng các loại quả mọng (bao gồm cả quả mọng đông lạnh), quả sung, dưa hấu, lựu, nho đỏ và tím. Bắp cải tím, cà tím, hành tím, khoai lang tím… cũng là những lựa chọn tốt.
"Bạn có thể trộn hỗn hợp quả mọng với yến mạch và sữa chua cho bữa sáng; thêm cà tím vào nước sốt mì ống, nướng cà tím thay vì chiên; ăn bắp cải tím như một món ăn kèm vào trưa Chủ nhật; sử dụng hành tím làm nền cho nhiều món ăn", Sophie gợi ý.