Những cái ôm luôn làm chúng ta cảm thấy tốt hơn, vơi bớt nỗi đau. Khi bạn vui và hạnh phúc, một cái ôm ấm áp có thể lan tỏa đến mọi người.
Ở trẻ em, ngoài cảm giác an toàn, vui vẻ, những cái ôm khoảng 20 giây có thể giúp bé phát triển trí thông minh, khỏe mạnh, kiên cường và gần gũi cha mẹ hơn. Dưới đây là những lợi ích khoa học của việc ôm cha mẹ nên biết.
Trẻ thông minh hơn
Muốn trẻ phát triển tốt, cha mẹ cần kích thích nhiều giác quan khác nhau ngay từ giai đoạn sơ sinh. Da kề da hoặc chạm vào cơ thể bé bằng những cái ôm là một trong các cách kích thích quan trọng giúp trẻ sở hữu não bộ minh mẫn và cơ thể khỏe mạnh.
Tại các trại trẻ mồ côi khu vực Đông Âu, trẻ sơ sinh hiếm khi được ôm ấp. Chúng hầu như chỉ nằm khoảng 22 đến 23 giờ trong nôi. Việc chăm sóc được thực hiện thường xuyên với sự tương tác tối thiểu của con người. Hậu quả là những đứa trẻ này thường phải đối mặt với nhiều vấn đề bao gồm sự phát triển nhận thức bị suy giảm.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy khi trẻ sơ sinh được nhận thêm 20 phút kích thích xúc giác (chạm) mỗi ngày trong 10 tuần, chúng sẽ đạt điểm cao hơn trong các kỳ đánh giá phát triển.
Trẻ phát triển tốt hơn
Khi trẻ không được tiếp xúc da kề da, cơ thể chúng sẽ ngừng phát triển mặc dù lượng chất dinh dưỡng nhận được vẫn đầy đủ.
Hoạt động ôm, tiếp xúc da với trẻ kích hoạt giải phóng oxytocin (còn được gọi là hormone tình yêu) có tác dụng kích thích tăng trưởng thần kinh và các cơ quan trong cơ thể.
Trẻ khỏe mạnh hơn
Mức độ tăng hormone oxytocin khi ôm trẻ có thể tăng cường hệ thống miễn dịch. Nó làm giảm nồng độ hormone tuyến giáp trong huyết tương khiến vết thương nhanh lành hơn. Cơ thể trẻ nhờ đó sẽ tăng sức mạnh, tăng độ dẻo dai hơn.
Ngăn những cơn giận dữ
Những cái ôm tốt cho sự phát triển trí tuệ cảm xúc một đứa trẻ. Không có gì có thể làm dịu cơn giận dữ ở trẻ mới biết đi nhanh hơn một cái ôm chặt từ cha mẹ.
Trong giai đoạn trẻ chập chững tập đi hay thời điểm khủng hoảng tuổi lên 3, nhiều bậc cha mẹ lo lắng nếu ôm đứa trẻ đang nổi cơn thịnh nộ sẽ khiến hành vi xấu của trẻ tiếp diễn.
Tuy nhiên, thực tế lúc này trẻ chỉ đơn giản mất kiểm soát cảm xúc, không thể tự điều chỉnh. Những cái ôm dành cho trẻ thực sự cần thiết để kích hoạt giải phóng hormone oxytocin làm giảm mức độ căng thẳng ở trẻ. Bé sẽ biết kiềm chế cơn giận dữ vô cớ của mình.
Ôm giúp trẻ trở nên kiên cường
Khi mới sinh, hệ thống thần kinh của trẻ không đủ trưởng thành để tự điều chỉnh toàn bộ cảm xúc. Đây là lý do tại sao trẻ mới biết đi có cảm xúc mãnh liệt, khó có khả năng kiềm chế. Ôm giúp trẻ học cách điều chỉnh cảm xúc của chính mình và trở nên kiên cường hơn.
Trẻ hạnh phúc hơn nhờ những cái ôm
Ôm thể hiện sự lạc quan, tin tưởng cha mẹ dành cho trẻ. Hormone oxytocin tiết ra mạnh mẽ giúp trẻ cảm thấy được yêu thương nhiều hơn.
Gắn kết tình cảm gia đình
Những cái ôm làm tăng sự tin tưởng, giảm nỗi sợ hãi và cải thiện mối quan hệ. Ôm thúc đẩy sự gắn bó an toàn và cải thiện liên kết cha mẹ và con cái. Do đó, cha mẹ đừng quên thể hiện tình cảm với trẻ bằng những cái ôm ấm áp mỗi ngày.