Những trẻ sơ sinh bú bình có thể nuốt phải hơn 1 triệu hạt vi nhựa mỗi ngày. Đây là kết quả nghiên cứu mới được các nhà khoa học Ireland công bố ngày 19/10 trên tạp chí Nature Food.
Nhóm nhà khoa học đã nghiên cứu lượng vi nhựa từ 10 loại bình sữa của trẻ em hay những vật dụng làm bằng polypropylene - loại nhựa được dùng nhiều nhất để làm vật dụng đựng thực phẩm.
Họ đã tiến hành các bước làm sạch, khử trùng và pha sữa theo các hướng dẫn chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Sau 21 ngày thí nghiệm, các nhà nghiên cứu phát hiện các bình sữa đã thải ra khoảng 1,3-16,2 triệu hạt vi nhựa mỗi lít.
Sử dụng số liệu này và dựa trên tỷ lệ trung bình cho trẻ bú sữa mẹ, nhóm đã lập mô hình ước tính lượng vi nhựa mà trẻ sơ sinh toàn cầu có thể hấp thu từ bú bình. Kết quả cho thấy trẻ bú bình có thể tiêu thụ lượng vi nhựa trung bình 1,6 triệu hạt vi nhựa/ngày trong 12 tháng đầu đời.
Trẻ được nuôi bằng sữa công thức có nguy cơ cao mắc béo phì
Các nhà nghiên cứu giải thích việc tiệt trùng và tiếp xúc với nước nóng là tác nhân lớn nhất khiến bình sữa thải ra lượng vi nhựa cao, từ mức 0,6 triệu hạt/lít ở nhiệt độ trung bình 25 độ C lên 55 triệu hạt/lít ở nhiệt độ 95 độ C.
Theo nghiên cứu này, những trẻ sơ sinh tại các nước phát triển có nguy cơ tiêu thụ lượng vi nhựa nhiều nhất - 2,3 triệu hạt/ngày ở Bắc Mỹ và 2,6 triệu tại châu Âu. Nguyên nhân là tỷ lệ trẻ sơ sinh bú mẹ khá thấp ở những nước giàu.
Để giảm lượng vi nhựa đi vào cơ thể trẻ sơ sinh, các nhà nghiên cứu cho rằng các phụ huynh có thể áp dụng một số bước đơn giản như rửa bình hoặc tiệt trùng bình bằng nước khử trùng lạnh, pha sữa công thức bằng vật dụng không làm bằng nhựa trước khi đổ vào bình sữa.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy con người hấp thu lượng lớn hạt vi nhựa. Tuy nhiên, rất ít công trình nghiên cứu cho thấy rõ tác hại của hạt vi nhựa đối với sức khỏe của con người. Các tác giả trên cho rằng nghiên cứu mới công bố nhấn mạnh tính cấp thiết của đề tài này./.