Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị vàng da
Vàng da là dấu hiệu thường gặp ở trẻ sơ sinh. Có khoảng 6/10 trẻ mắc triệu chứng này sau khi chào đời. Vàng da ở trẻ sơ sinh có thể do vấn đề sinh lý hoặc bệnh lý. Hiện tượng vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh sẽ biến mất sau thời gian ngắn. Đối với hiện tượng vàng da bệnh lý, nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra các triệu chứng nguy hiểm.
Trẻ bị vàng da sinh lý sẽ có biểu hiện da vàng vùng mặt, cổ, ngực hoặc vùng bụng phía trên rốn. Vàng da được coi là sinh lý khi xuất hiện sau 24 giờ tuổi và sẽ hết trong vòng 7 ngày đối với trẻ sinh đủ tháng và 15 ngày đối với trẻ sinh thiếu tháng.
Đối với trẻ bị vàng da bệnh lý, mẹ sẽ nhận ra một số biểu hiện bất thường sau:
- Vàng da xuất hiện cùng một số triệu chứng bất thường khác (trẻ bỏ bú, co giật…).
- Vùng da vàng có diện tích rộng, có thể toàn thân và cả mắt.
- Màu da vàng đậm.
- Xét nghiệm lượng bilirubin trong máu vượt chuẩn.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị vàng da
Trẻ bị vàng da sinh lý nguyên nhân do sự tích tụ bilirubin. Loại chất màu vàng này được sản sinh ra trong quá trình các tế bào hồng cầu bị phá vỡ. Lượng hồng cầu ở trẻ sơ sinh khá cao và thường xuyên được thay mới trong khi gan chưa đủ khả năng lọc bỏ bilirubin nên có dấu hiệu vàng da. Sau 2 tuần, hiện tượng này ở trẻ sẽ từ từ biến mất khi chức năng gan đã hoàn chỉnh.
Đối với hội chứng vàng da bệnh lý, hiện tượng này sẽ xuất hiện ở trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh. Đây có thể là biểu hiện của một căn bệnh tiềm tàng nào đó trong cơ thể trẻ. Mức độ da vàng toàn thân kèm theo một số triệu trứng bất thường đã nêu. Nếu không điều trị kịp thời, có thể xảy ra nguy cơ nhiễm độc thần kinh do lượng bilirubin gián tiếp thấm vào não bộ khiến trẻ bị tử vong hoặc bị bại não.
Cách điều trị khi trẻ bị vàng da
Thông thường, trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý không nguy hiểm. Mẹ chỉ cần theo dõi và không cần điều trị trẻ sẽ tự khỏi trong thời gian ngắn. Chỉ một số ít trường hợp lượng bulirubin quá cao mới cần lưu ý can thiệp để tránh các biến chứng nếu chất này di chuyển đến não.
Trao đổi với Phụ nữ và Gia đình, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết: “Những trẻ dưới 15 ngày tuổi, nếu hiện tượng vàng da ngày càng tăng, đặc biệt vùng da vàng lên tới ngực cần tiến hành khám chiếu đèn. Trường hợp nặng bác sĩ sẽ thay máu cho trẻ. Trẻ trên 15 ngày tuổi chị em không cần lo lắng. Trẻ chỉ cần bú tốt, tăng cân theo tiêu chuẩn thì dấu hiệu vàng da sẽ hết dần trong vòng 3 tháng”.
Ngoài ra, Bác sĩ Khanh cũng chia sẻ thêm về hiện tượng vàng da ở những trẻ trong độ tuổi ăn dặm trở lên. Nếu các bé có dấu hiệu vàng da ở lòng bàn tay, bàn chân, cánh mũi (nhìn nghiêng sẽ thấy rõ) chứng tỏ mẹ cho bé ăn quá nhiều cà rốt, bí đỏ, đu đủ. Chị em chỉ cần ngưng cho trẻ ăn trong vài tháng sẽ hết chứng vàng da.