Bên cạnh việc tăng cường ăn các loại thức ăn tăng tiết sữa nuôi con, các mẹ cũng nên kịp thời cập nhật những thực phẩm không nên ăn để không bị mất sữa đột ngột và những nguy cơ khác ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
10 thực phẩm mẹ không nên ăn khi cho con bú
Trứng
Khi đang cho con bú, mẹ nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cho con (bơ sữa, đậu nành, lúa mì, đậu phộng,…), trong đó có trứng. Nếu vẫn muốn bổ sung trứng vào thực đơn ăn uống hàng ngày, mẹ nên ăn với một lượng nhỏ và theo dõi các dấu hiệu dị ứng (nếu có) ở con.
Cá có hàm lượng thủy ngân cao
Một số loại cá biển (cá mập, cá thu, cá kiếm, cá kình…) chứa hàm lượng thủy ngân cao, mẹ không nên ăn để tránh nguy cơ con chướng bụng khi bú mẹ.
Theo khuyến cáo của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), phụ nữ đang cho con bú nên ăn các loại cá và hải sản có vỏ chứa hàm lượng thủy ngân thấp 2 lần/tuần. Chị em có thể ăn những loại hải sản có hàm lượng thủy ngân thấp như: tôm, cá ngừ đóng hộp, cá hồi, cá da trơn….
Bắp ngô
Mẹ ăn bắp khi đang cho con bú có nguy cơ khiến con bị dị ứng. Tuy nhiên, một số trẻ không gặp phải triệu chứng này. Để biết rõ nguyên nhân chính xác việc con bị dị ứng có phải do bắp hay không, mẹ nên theo dõi tình trạng của con sau khi bú. Nếu nhận thấy con có biểu hiện đau bụng hoặc khóc nhiều hơn sau khi mẹ ăn bắp, mẹ cần loại bỏ món ăn này khỏi thực đơn.
Lá lốt
Lá lốt là một trong những thực phẩm hàng đầu khiến chị em nhanh chóng bị mất sữa. Chỉ cần sơ ý ăn một vài miếng lá lốt kèm theo các món ăn (bò cuộn lá lốt, ốc nấu chuối lá lốt…), chị em sẽ thiếu sữa cho bé bú.
Măng
Trong măng chứa nhiều chất độc hại, đặc biệt là chất axit xianhhidric (HCN) có thể gây tử vong ở trẻ em. Tuy nhiên, chất độc này dễ tan trong nước và bay hơi khi nấu sôi. Để ăn măng một cách an toàn, nhiều gia đình thường ngâm măng nhiều giờ đồng hồ trong nước và nấu mở vung thật sôi để loại bỏ chất HCN. Đối với phụ nữ đang cho con bú, chị em cần tránh ăn măng để không bị mất sữa và ảnh hưởng đến sức khỏe sau sinh.
Súp lơ
Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ sau sinh nên hạn chế ăn súp lơ xanh, súp lơ trắng để tránh nguy cơ chướng bụng, đầy hơi và đi ngoài ở trẻ. Ngoài ra, ăn loại rau này còn có nguy cơ gây mất sữa ở các bà mẹ.
Thức ăn cay
Rất nhiều chị em có sở thích ăn cay và có xu hướng cho nhiều gia vị cay (tiêu, ớt…) khi chế biến. Mẹ cần loại bỏ ngay thói quen không tốt này để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Ăn nhiều thức ăn cay khi cho con bú sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ. Bên cạnh đó, bé cũng dễ gặp các vấn đề về táo bón, đau bụng hoặc cáu gắt.
Trái cây có múi
Cam, chanh, bưởi và một số loại trái cây có múi khác cung cấp lượng lớn vitamin C cho các chị em. Tuy nhiên, một số thành phần trong các loại quả này khi vào sữa mẹ có thể tác động đến hệ tiêu hóa của trẻ làm con bị tiêu chảy, nôn trớ, hăm tã và xuất hiện mẩn đỏ trên da.
Trong giai đoạn này, chị em có thể bổ sung vitamin C bằng việc ăn các loại trái cây khác như xoài, đu đủ, kiwi, sơ ri…
Lạc
Nếu mẹ hoặc một trong các thành viên gia đình có tiền sử dị ứng lạc, chị em nên hạn chế ăn thực phẩm này để tránh nguy cơ ảnh hưởng đến con. Nếu mẹ ăn nhiều lạc, trẻ bú sữa mẹ sẽ dễ bị dị ứng và mắc bệnh chàm, phát ban hoặc ảnh hưởng đến đường hô hấp.
Rượu
Theo các chuyên gia, mẹ uống vài ngụm rượu vang đỏ trước bữa ăn sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, mẹ cần tránh rượu trắng có nồng độ cao. Mẹ uống loại rượu này sẽ khiến bé mắc các triệu chứng buồn ngủ, tăng cân bất thường.
Biết những thực phẩm mẹ không nên ăn khi cho con bú, chị em sẽ có thể bảo vệ được sức khỏe của bản thân lẫn thiên thần nhỏ của mình.