Nội dung bài viết:
Trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ là tình trạng vùng da ở cổ của bé xuất hiện các mẩn đỏ, có thể gây ngứa, loét, khiến bé khó chịu, quấy khóc. Phần lớn các mẹ thường không biết nguyên nhân cụ thể và cách xử lý như thế nào để giúp bé nhanh hết tình trạng này.
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho mẹ những thông tin hữu ích. Từ đó giúp mẹ có biện pháp điều trị kịp thời khi thấy cổ bé xuất hiện mẩn đỏ.
1. Nguyên nhân gây ra trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra vấn đề này, có thể do trong quá trình chăm sóc bé không đúng cách hoặc sự thay đổi của thời tiết, bệnh lý mà khiến con bị nổi mẩn đỏ ở cổ. Dưới đây chính là một số nguyên nhân cơ bản:
1.1 Rôm sảy
Rôm sảy là một trong những tình trạng rất dễ gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt vào mùa hè. Những nốt đỏ hồng sẽ xuất hiện ở vùng da cổ, ngực, nách,... do tuyến mồ hôi bị tắc bít, công thêm bụi bẩn bám vào làm cho da bị viêm, gây ra các đốm li ti màu hồng và ngứa ngáy khiến trẻ khó chịu.
Đây là một hiện tượng về da bình thường, có thể tự khỏi khi thời tiết mát hơn. Tuy nhiên, nếu bé gãi nhiều có thể gây trầy xước da, nhiễm khuẩn, phát triển thành mụn nhọt.
Để giảm bớt sự khó chịu nếu trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ do rôm sảy thì mẹ có thể sử dụng một số bài thuốc dân gian bằng cách tắm lá cho trẻ. Vì được lấy từ những nguyên liệu thiên nhiên nên đảm bảo sự an toàn cho trẻ sơ sinh cũng như đạt hiệu quả cao.
Mẹ có thể sử dụng lá kinh giới, lá tía tô, lá khế hoặc lá chè xanh để nấu nước tắm cho con.
1.2 Nấm da
Trẻ sơ sinh nổi mẩn đỏ ở cố có thể do nấm da. Đây là tình trạng loại nấm Candida sinh sôi và phát triển do độ ẩm quá cao, mồ hôi ra nhiều khiến cho vùng da cổ của bé nhiễm nấm men.
Triệu chứng của nấm da là vùng da của bé xuất hiện một hay nhiều vòng tròn màu đỏ rực hoặc từng mảng. Những đường tròn này có đường kính khoảng 6cm, vòng tròn trung tâm thường có màu hồng, đỏ hoặc nhạt. Bề mặt da có vảy cạnh sắc cứng, cũng có thể là mụn nước phồng rộp li ti.
Đối với trường hợp trẻ sơ sinh bị nấm da, nổi mẩn đỏ ở cổ thì mẹ không nên tự ý mua thuốc bôi cho con mà cần sự thăm khám và sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
1.3 Trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ có thể do mụn trứng cá
Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện vài ngày đến vài tháng sau sinh. Chúng có thể ảnh hưởng từ hormone từ cơ thể mẹ trong khi mang thai và mụn trứng cá thường vô hại với trẻ. Ngoài vị trí ở cổ, mụn trứng cá có thể xuất hiện ở vùng má, trán, cằm,...
Nếu mẹ nhận thấy cổ của trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ có dạng những nốt nhỏ màu hồng có đầu trắng hoặc đỏ thì khả năng rất cao là trẻ sơ sinh đang bị mụn trứng cá.
Tuyệt đối mẹ không tự ý sử dụng các thuốc để bôi cho trẻ mà nên giữ sạch vùng da bị mụn cho bé và kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi các nốt mụn biến mất.
1.4 Viêm da dị ứng
Những nốt đỏ ở cổ cũng có thể là dấu hiệu của viêm da dị ứng ở trẻ sơ sinh (hay còn gọi là chàm sữa, lác sữa). Đây cũng là một bệnh lý về da trẻ nhỏ rất dễ mắc phải.
Viêm da dị ứng thường có dấu hiệu mảng da bong tróc, đóng vảy, mẩn đỏ xuất hiện ở cổ, má, sau tai, da đầu,...Nếu trẻ không được chữa trị sớm dứt điểm có thể lây lan rộng ra các vùng da khác, để lại sẹo, vết thâm, mất thẩm mỹ.
Mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn cách điều trị phù hợp, để bệnh sớm được xử lý triệt để.
1.5 Kích ứng da
Trẻ sơ sinh vài tháng đầu rất dễ bị kích ứng da cho hơi ẩm nhiều quá mức, da vùng cổ có nhiều nếp gấp chồng lên nhau, làm cho da bị ma sát liên tục, gây ra tình trạng nổi mẩn đỏ ở cổ. Tuy nhiên, mẹ không cần phải lo lắng vì tình trạng kích ứng da có thể tự khỏi khi bé biết lật hoặc nhấc đầu lên.
2. Trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ: Mẹ cần làm gì?
Khi thấy cổ em bé bị nổi mẩn đỏ, trẻ sơ sinh nổi mẩn đỏ sau gáy, mẹ nên quan sát kỹ để có cách chăm sóc và biết cách điều trị sớm cho trẻ. Nếu chủ quan, lơ là có thể làm cho tình trạng da bị nặng hơn, bội nhiễm, mưng mủ, biến chứng nguy hiểm khác.
Dưới đây là một số nguyên tắc vàng mẹ cần lưu ý khi thấy vùng da dưới cổ của con có những dấu hiệu bất thường:
Giữ cho vùng da cổ của bé luôn thoáng mát: Mẹ nên lau rửa vùng da cổ thường xuyên cho con, đặc biệt vào thời tiết nóng nực, tránh tình trạng da của bé đổ nhiều mồ hôi và tích tụ ẩm ướt lâu dài ở dưới vùng cổ.
Ngoài ra, khi trẻ bú sữa, nếu sữa chảy xuống vùng cổ, mẹ nên lấy khăn mềm sạch lau nhẹ nhàng cho bé ngay.
Cho trẻ ở trong phòng thoáng mát, chỉnh điều hòa với nhiệt độ phù hợp, không quá khô hoặc quá lạnh giúp trẻ dễ chịu hơn rất nhiều.
Hạn chế tình trạng da cổ của bé tiếp xúc với yếu tố gây dị ứng: Mẹ nên tránh cho con mặc những loại quần áo được làm từ chất liệu vải cứng, thô ráp, cao cổ, vải len. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên lưu ý không sử dụng các loại xà phòng, chất tẩy rửa, tạo bọt,...để giặt đồ cho bé. Vì chúng cũng chính là những nguyên nhân gây kích ứng làn da đang non nớt của trẻ.
Đối với trẻ bú sữa mẹ, nguồn thức ăn của mẹ cũng chính là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến con thông qua chất lượng sữa mẹ. Vì vậy, nếu trẻ đang bị nổi mẩn đỏ ở cổ, trường hợp do dị ứng thì mẹ nên ngưng ăn các loại hải sản, thịt bò,...nên bổ sung các loại thức ăn thanh mát, giải nhiệt và uống nhiều nước.
Tuyệt đối không nên sử dụng phấn rôm: Thoa phấn rôm trị hăm, rôm sảy là thói quen của nhiều bà mẹ mà không biết rằng phấn rôm càng làm bít tắc lỗ chân lông, khiến cho tình trạng da của bé thêm nặng hơn. Ngoài ra, bụi phấn rôm còn có thể gây ra bệnh về hô hấp nếu trẻ hít phải.
Tắm cho bé sạch sẽ mỗi ngày: Mẹ nên thường xuyên vệ sinh da cho bé mỗi ngày bằng nước sạch đã được đun sôi, để nguội nhằm ngăn ngừa vi khuẩn, làm giảm các mẩn đỏ trên cơ thể bé.
Khi thấy tình trạng mẩn đỏ ở cổ của bé kèm theo sốt, bé quấy khóc, bỏ ăn, mệt mỏi hoặc các mẩn đỏ không biến mất sau 1 tuần thì mẹ nên đưa bé đến các trung tâm y tế ngay lập tức để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trên đây là một số thông tin hữu ích dành cho mẹ khi thấy trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ. Mẹ có thể dựa vào những thông tin trên đây để chẩn đoán con bị nổi mẩn đỏ do nguyên nhân gì, từ đó có phương hướng can thiệp hợp lý.