Sau khi uống sữa bột khoảng nửa tiếng, bé trai L.T.M. (6 tháng tuổi, ngụ tỉnh Thanh Hóa) bị nổi mẩn đỏ, sau đó phát ban toàn thân và tiếp tục diễn biến nặng khiến trẻ tím tái, khó thở, phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên cấp cứu, lọc máu…
Phát ban, tím tái sau khi uống sữa ngoại
Bé L.T.M. vẫn đang trong thời kỳ bú sữa mẹ. Tuy nhiên, do mẹ đi công tác, sau một ngày lượng sữa vắt dự trữ không đủ nên gia đình cho bé uống thêm một loại sữa bột “ngoại” để đảm bảo sức khỏe. Điều đáng nói, ngay sau khi bổ sung loại sữa này, M. bắt đầu có dấu hiệu nổi mẩn đỏ như dị ứng, ban đỏ phát khắp người. Sau đó, trẻ nôn ra sữa và tím tái các đầu ngón tay, ngón chân.
Trước biểu hiện bất thường của M., gia đình đã nhanh chóng đưa vào cấp cứu tại bệnh viện tuyến tỉnh.
Tại đây, các bác sĩ (BS) chẩn đoán trẻ sốc phản vệ và xử lý theo phác đồ của Bộ Y tế nhưng bệnh nhân đáp ứng kém. Sử dụng các thuốc như adrenalin để tiêm nhưng không được, sau đó phải chuyển qua truyền, sử dụng thuốc vận mạch… nhưng trẻ suy tim nặng, suy đa tạng…
Khi tới Bệnh viện Nhi Trung ương, ngoài việc hỗ trợ hô hấp, các BS tiếp tục sử dụng thuốc điều trị chủ chốt chống sốc phản vệ là adrenalin tiêm tĩnh mạch, thuốc vận mạch khác phối hợp, chăm sóc, cấp điện giải… nhưng không có dấu hiệu cải thiện. Huyết áp của trẻ không ổn định. Các BS phải tiến hành lọc máu liên tục. Sau sáu ngày điều trị, trẻ mới ổn định và được xuất viện.
Tiến sĩ - BS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhi Trung ương) - cho biết, trường hợp của cháu M. chỉ là một trong số nhiều trẻ bị phản ứng phản vệ với thức ăn. Giữa tháng Tư vừa qua, bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhi là bé gái sáu tháng tuổi (ngụ tại Hà Nội).
Theo người nhà, sau khi ăn khoảng nửa tiếng, trẻ xuất hiện phát ban, tím tái. BS nghĩ đến sốc phản vệ. Trẻ cũng được xử lý tiêm adrenalin, thở máy, phối hợp thuốc vận mạch… Sau ba ngày, trẻ được rút ống thở và đến ngày thứ năm được ra viện.
Về các phản ứng, phản vệ ở trẻ em, theo BS Tạ Anh Tuấn có thể xuất phát từ nhiều con đường và các nguồn khác nhau: đường tiêm truyền, tiếp xúc, ngửi hít hay côn trùng đốt…
Trong đó, theo các nghiên cứu, có từ 1-10% trẻ phản ứng, dị ứng với thức ăn. Các trường hợp nặng chủ yếu xảy ra trong những năm đầu đời của trẻ, sau đó có thể giảm dần theo thời gian. Các loại thức ăn thường gặp nhất trong phản ứng, dị ứng ở trẻ là trứng, sữa, đậu phộng. Bên cạnh đó còn có các loại hạt, lúa mì, lúa mạch hay hải sản như tôm, cua, ốc, hến…
Tự ý tiêm adrenalin có thể gánh họa
Để có thể hạn chế tối đa các nguy cơ dị ứng, phản vệ với thức ăn, BS Tạ Anh Tuấn khuyến cáo cần chú trọng nguồn dinh dưỡng chính ở trẻ nhỏ là sữa mẹ. Không chỉ đảm bảo thành phần dinh dưỡng phù hợp nhất với trẻ, sữa mẹ còn giúp trẻ phòng ngừa bệnh tật.
Qua sáu tháng, sữa mẹ không đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cho trẻ nên trẻ được ăn dặm. Tuy nhiên, nên cho trẻ ăn ít, thăm dò xem trẻ có dung nạp không. Các dị ứng thức ăn có thể có từ các biểu hiện nhẹ: đau bụng, rối loạn tiêu hóa, nôn trớ, phát ban tới các biểu hiện nặng hơn là rối loạn đường hô hấp như khó thở, khò khè, thở rít, tiếp đó là các dấu hiệu sốc phản vệ…
Do đó, nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thường thì cần ngừng sử dụng ngay loại thực phẩm đó và đi khám để BS chẩn đoán xem trẻ có dị ứng với thức ăn đó hay không.
Theo BS Tạ Anh Tuấn, các phản ứng của trẻ với thức ăn ở lần đầu thường nhẹ hơn các lần sau. Do đó, việc thăm dò một thực phẩm mới ở trẻ vô cùng quan trọng để tránh những trường hợp nặng gây ra hậu quả đáng tiếc. Bên cạnh đó, trẻ có các bệnh như chàm, trốc đầu, “cứt trâu” đóng vảy trên đầu, eczema… cũng là đối tượng có nguy cơ cao xảy ra dị ứng, phản ứng với thức ăn.
Mới đây, sau khi thông tin bé M. được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh đã “hô hào” phải chuẩn bị sẵn adrenalin trong nhà để kịp thời tiêm cho trẻ bị sốc phản vệ, trong khi chờ đưa tới bệnh viện. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, đây là quan điểm sai lầm bởi adrenalin là thuốc được bán theo đơn và phải được đào tạo khi sử dụng.
“Trước hết, việc phân biệt, xác định trẻ có phải sốc phản vệ hay không để điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế không phải là điều đơn giản ngay với cán bộ y tế. Hơn nữa, adrenalin nếu tiêm không đúng liều sẽ gây tác dụng phụ như mạch nhanh, rối loạn nhịp tim… có thể dẫn tới tử vong”, BS Tạ Anh Tuấn phân tích.