Trẻ em bị bệnh trĩ sẽ có dấu hiệu gì?
Trĩ là căn bệnh thường gặp ở người lớn khi bị táo bón kéo dài hoặc do thói quen ngồi tại chỗ quá lâu. Ở trẻ em, bé sau 3 tuổi cũng có nguy cơ mắc căn bệnh này nếu cha mẹ không biết cách chăm sóc.
Khi bị trĩ, trẻ sẽ có dấu hiệu đau rát vùng hậu môn. Lúc này, các tĩnh mạch trĩ bị căng phồng, sưng tấy sẽ cản trở quá trình di chuyển của phân. Việc cố sức rặn mạnh có thể khiến trẻ cảm thấy đau và thường xuyên quấy khóc khi đi đại tiện. Theo trang Healthline, trẻ bị trĩ còn có dấu hiệu đi ngoài ra máu, xuất hiện chất nhầy rò rỉ vùng hậu môn, phân trẻ khô, cứng.
Trẻ em bị bệnh trĩ chủ yếu do thói quen ngồi bô hơn 10 phút, trẻ bị táo bón thường xuyên, trẻ bị viêm hoặc nhiễm trùng ruột già hoặc di truyền bệnh từ cha mẹ.
Cách phòng và điều trị bệnh trĩ ở trẻ em
Cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ bị trĩ để có giải pháp điều trị. Thông thường, tình tạng táo bón kéo dài là nguyên nhân chính khiến trẻ mắc chứng bệnh này.
Đối với những trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, nguy cơ táo bón và trĩ chiếm tỉ lệ ít hơn so với những trẻ uống sữa công thức hoặc trong giai đoạn ăn dặm. Do đó, cha mẹ cần đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày của con.
Cha mẹ cần tích cực cho con ăn các thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước lọc, các loại nước ép (nước ép táo, nước ép lê, hoặc nước ép mận…) hoặc các thức ăn lỏng, ngũ cốc nguyên hạt để phòng và điều trị bệnh trĩ.
Trong sinh hoạt thường ngày, cha mẹ nên rèn cho trẻ thói quen đi đại tiện đúng giờ, không ngồi một chỗ thời gian dài quá lâu. Tham gia các bộ môn thể thao như học bơi, học võ, chạy bộ là cách rèn thể lực ở trẻ em nhằm nâng cao quá trình trao đổi chất, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả.
Khi nhận thấy trẻ em có các dấu hiệu bị bệnh trĩ, cha mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa để kịp thời điều trị, tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày.