Sau thời điểm nghỉ Tết, 2 vấn đề bác sĩ thường xuyên nhận được câu hỏi từ phụ huynh, đó là:
Trẻ đòi chơi điện thoại hoặc ipad nhiều hơn.
Mẹ đã làm đủ cách từ ép buộc, dụ dỗ đến hát hò, nhưng trẻ không ăn, thích ngậm, quay đầu khi thấy thức ăn hoặc tự kết thúc bữa ăn bằng khóc la. Trông trẻ ốm tội quá
Liệu có những giải pháp nào cho các vấn đề này?
Trẻ khó bảo, thích chơi điện thoại, ipad nhiều hơn, không vào nếp
Nguyên nhân
Phần lớn trẻ nhận ra rằng thế giới ảo khác với thể giới thật. Thế giới ảo không có giao tiếp trực tiếp giữa người với người và đáp ứng hai chiều. Trẻ không cần quá nỗ lực so với giao tiếp thật.
Trẻ từ 2 – 6 tuổi thường hiểu thế giới này như mảnh ghép gồm hình ảnh, âm thanh, các vấn đề tương tác liên quan đến xúc giác (chạm-kéo-thả).
Do đó, việc trẻ hứng thú để tìm cách ghép nối để hiểu tổng thể đã làm trẻ dễ học được trò chơi, dễ nghiện và muốn chơi nhiều lần là điều dễ hiểu. Khi trẻ có nhiều thời gian rảnh hoặc có cơ hội tiếp xúc với thiết bị điện tử, đặc biệt những dịp lễ hội hay nghỉ Tết, việc trẻ thích và nghiện nhiều hơn là điều dễ hiểu.
Giải pháp
Theo Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Mỹ (AAP), phá vỡ không gian ảo và tăng thế giới thực là giải pháp hữu hiệu để giúp trẻ giảm hoặc chơi thiết bị điện tử một cách lành mạnh hơn.
Thiết lập 1 thời gian giới hạn cho việc xem hoặc chơi của trẻ. Với trẻ dưới 6 tuổi, bạn có thể kiểm soát thời gian thông qua sử dụng 1 số chức năng thiết lập thời gian dừng hoặc đơn giản bạn tắt wifi.
Với đoạn video dài trên 5 phút, bạn có thể thiết lập thời gian tự tắt sau 3 phút. Với những gián đoạn đó, trẻ vẫn chưa kịp để thiết lập sự toàn vẹn dẫn đến sự nghiện.
Với trẻ trên 6 tuổi, việc kiểm soát ở trên là không còn hiệu quả bởi vì trẻ có thể nhận thức được sự kiểm soát của bạn. Cha mẹ nên quy ước thời gian giới hạn với trẻ khi xem chương trình nào đó.
Hãy tham gia cùng trẻ vào các hoạt động trên màn hình. Hãy xem video cùng trẻ, hãy tìm những trò chơi mà cả bạn và bé đều chơi được. Khi bạn chơi hoặc xem cùng trẻ, có sự giao tiếp thật giữa bạn và trẻ. Điều này sẽ đan xen vào không gian ảo sẽ làm trẻ chơi như 1 trò chơi, không đặt bản thân trẻ vào thế giới đó.
Thiết lập các khu vực riêng biệt: Khu nào trong nhà là không sử dụng thiết bị màn hình (kể cả điện thoại), khu nào được phép sử dụng.
Ví dụ: Phòng ngủ là nơi không sử dụng điện thoại, ipad, TV. Các thành viên trong gia đình cũng phải tuân thủ quy ước này.
Tăng các hoạt động vui chơi cùng trẻ như đi dạo công viên, đọc sách….
Trẻ biếng ăn và sụt cân
Nguyên nhân
Do bệnh, thời tiết thay đổi, môi trường ăn thay đổi, người cho ăn khác, đông người, bữa ăn thay đổi, thức ăn, màu sắc, cấu trúc… Sau Tết tiềm ẩn rất nhiều nguyên nhân vừa nêu có thể làm thay đổi hành vi ăn uống của trẻ.
Giúp trẻ thay đổi về nhận thức từng chút một là giải pháp giúp trẻ có hành vi ăn uống tốt trở lại. Hơn nữa, đừng ngại sai, trẻ sai, trẻ bướng đến đâu thì chúng ta sửa đến đó, sẽ tốt và hiệu quả.
Giải pháp
Bữa ăn là một không gian giao tiếp giữa bạn và trẻ bao gồm cả thức ăn. Mục đích của giao tiếp là bạn giúp trẻ nhận ra sự tồn tại của thức ăn, vai trò của thức ăn và trẻ sẽ ăn như thế nào.
Do đó, chìa khóa nằm ở thái độ và phương pháp của bạn trong bữa ăn, không nằm ở những hành động như dụ dỗ, ép lừa thức ăn hoặc ca múa hát hay bế rong.
Hãy nghĩ kĩ hơn, khi chúng ta làm những hành động trên thì đó là lúc bạn hướng sự chú ý của bé vào bạn, hơn là thức ăn trẻ cần giao tiếp. Điều trẻ nhận chỉ là sự ghét bỏ hành động khi bị ép ăn hoặc sự đùa vui không ý nghĩa khi thấy bạn làm trò hay bế rong.
Thái độ đúng của cha mẹ chính là luôn vui vẻ, cho phép trẻ ngưng và chấp nhận “phục vụ” khi trẻ cần.
Chia nhỏ bữa ăn khi trẻ có vẻ không chịu ăn theo bữa. Bạn vẫn duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ và có sẵn cho trẻ lựa chọn trong tủ lạnh để sẵn sàng phục vụ.
Những bữa trẻ ham chơi không ăn, bạn có thể cho trẻ uống sữa thay thế. Khoảng 200mL/ngày có thể chọn sữa giàu đạm và có bổ sung lợi khuẩn bifidus để hỗ trợ trẻ ăn tốt hơn và giảm các vấn đề tiêu hóa do chế độ thất thường của trẻ trong những ngày không chịu ăn.
Linh hoạt thay đổi cấu trúc thức ăn cho trẻ từ 1-6 tuổi. Nếu trẻ không thích ăn cháo xay, bạn có thể giới thiệu thức ăn dạng ngón tay cầm ăn. Trẻ không thích rau củ, có thể xay nhỏ hoặc chiên giòn, vẫn cung cấp đủ vitamin và chất xơ cho trẻ.
Thiết lập bữa ăn phụ thêm tiện lợi khi trẻ đến trường. Bạn có thể chọn giải pháp lựa chọn những thực phẩm dinh dưỡng trẻ tiện mang theo để ăn hoặc uống vào những giờ trên lớp. Ví dụ trẻ có thể mang kèm bánh quy ít đường, sữa công thức pha sẵn giàu đạm khi trẻ đển trường để đảm bảo đủ dinh dưỡng.
Linh động cách trình bày bữa ăn. Trẻ không thích ăn trên dĩa hoặc bị đút muỗng, bạn cứ cho trẻ ăn dạng xiên que hoặc bốc tay.