Những điểm mạnh về sức khỏe của trẻ sinh vào mùa xuân
Hạn chế nguy cơ bệnh suyễn
Trong nghiên cứu của Mary Regina Boland năm 2015 được đăng trên tạp chí American Medical Informatics Association đã kết luận rằng tỉ lệ bệnh hen suyễn ở trẻ tập trung cao nhất khi sinh từ tháng 7 đến tháng 10 và tỉ lệ này sẽ giảm ở các tháng còn lại trong năm, bao gồm cả mùa xuân.
Theo nghiên cứu này, mạt bụi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây khởi phát cơn hen, chúng phát triển mạnh khi thời tiết nóng bức và độ ẩm cao. Do đó, mùa xuân nắng ấm vừa phải sẽ hạn chế mạt bụi, đồng thời giảm nguy có khởi phát hen suyễn.
Sống lạc quan hơn
Những đứa trẻ sinh vào mùa xuân khi lớn lên dễ mang tính cách lạc quan, yêu đời hơn. Trong một nghiên cứu nhỏ đăng tải trên tạp chí Affective Disorders, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra khí chất hyperthymic (nghĩa là tích cực thái quá) xuất hiện phổ biến hơn ở những người sinh ra vào mùa xuân và thu. Còn những đứa trẻ sinh ra vào mùa hè và đông lại dễ có khí chất đối ngược là trầm cảm.
Hạn chế bị hội chứng tăng động giảm chú ý
Hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) xu hướng hay gặp ở những đứa trẻ sinh vào cuối năm, trong khi tỉ lệ này lại thấp hơn nhiều ở những trẻ sinh vào mùa xuân.
Tuy nhiên, điều này cũng cần cân nhắc kĩ vì những trẻ nhỏ tuổi nhất trong một lớp học sẽ sinh vào những tháng cuối năm (11, 12) có xu hướng nghịch ngợm, hiếu động hơn, ít tập trung hơn so với những bạn sinh tháng 1-2 cùng năm nên có thể dẫn đến việc chẩn đoán ADHD cao hơn.
Những bất lợi khi em bé sinh vào mùa xuân
Nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch
Những trẻ sinh vào mùa xuân, đặc biệt trong tháng 3 thường có tỉ lệ mắc bệnh tim mạch cao hơn so với trẻ sinh vào các mùa khác trong năm. Nguyên nhân là do phơi nhiễm với một số yếu tố môi trường đặc thù gây hại cho tim.
Suy tim sung huyết và rung nhĩ là 2 bệnh mà trẻ sinh vào mùa xuân thường mắc phải nhất.
Đa xơ cứng
Những đứa bé sinh vào mùa xuân có tỷ lệ cao phát triển chứng bệnh đa xơ cứng (MS) khi trưởng thành cao hơn các mùa khác trong năm. Giải thích hiện tượng này, các nhà khoa học cho rằng, những trẻ sinh trong thời điểm này có thể có một loại tế bào miễn dịch gây hại liên quan đến MS cao hơn.
Bên cạnh đó, nồng độ vitamin D trong máu thấp ở những trẻ này cũng có thể là một yếu tố khác ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh.
Nhiễm trùng hô hấp trên
Sinh ra vào mùa xuân, nhiều trẻ rất hay bị mồ hôi trộm, da ẩm ướt. Bên cạnh đó, thời tiết ẩm nên mốc phát triển rất nhanh trong nhà có thể làm trẻ sơ sinh khụt khịt, ho, viêm phổi dẫn đến tình trạng trẻ bú kém, suy dinh dưỡng, còi xương… Vì vậy cần dọn vệ sinh nhà cửa để dẹp nấm mốc, và tiệt trùng đồ dùng cho trẻ hàng ngày.
Bệnh tiêu chảy
Mùa xuân cũng là thời điểm bé rất dễ mắc bệnh tiêu chảy. Bệnh tiêu chảy có thể do vi khuẩn, do ngộ độc thức ăn, do ký sinh trùng hoặc do Rotavirus. Bệnh tiêu chảy do Rotavirus chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại tiêu chảy mùa lạnh ở bé. Được biết, bệnh tiêu chảy do Rotavirus có thể gặp quanh năm nhưng thường gặp nhất vẫn là mùa đông - xuân. Bệnh hay gặp ở bé dưới 2 tuổi, dễ gây thành dịch.
Bệnh về da
Ngoài ra, mùa xuân một số bệnh về da của bé cũng dễ xuất hiện, tái phát như bệnh chàm (eczema), bệnh mề đay... Với bệnh chàm, thời tiết càng lạnh càng xuất hiện nhiều và tái phát, rất dễ nhiễm khuẩn. Bệnh mề đay gây ngứa dữ dội, bé quấy khóc nhiều, đôi khi gây tiêu chảy do mày đay xuất hiện ở niêm mạc ruột gây kích thích tăng nhu động ruột.
Nhìn chung, mức độ liên quan giữa mùa và thời điểm sinh em bé có thể không đáng kể khi so với các yếu tố khác như chế độ ăn uống và tập luyện. Tuy nhiên, cha mẹ trẻ cũng cần có cái nhìn toàn diện ảnh hưởng đến quá trình lớn lên của trẻ để không bỏ sót nguy cơ và giúp trẻ khỏe mạnh toàn diện nhất.