Phế cầu khuẩn còn được đặc trưng bởi tình trạng kháng kháng sinh. Tính kháng kháng sinh khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn và gây áp lực nặng nề cho cả bệnh nhân cũng như hệ thống y tế.
Vi khuẩn kháng thuốc mạnh mẽ
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM vừa tiếp nhận bé trai 5 tuổi mắc viêm phổi hoại tử do phế cầu. Khi nhập viện, bé sốt cao, ho đờm, thở rút lõm ngực, tiêu lỏng. Trải qua quá trình điều trị tích cực hơn một tháng với nhiều lần đổi thuốc kháng sinh, can thiệp phẫu thuật bơm rửa, dẫn lưu mủ màng phổi, bé mới hồi phục và được xuất viện.
Đây là ca bệnh điển hình mắc bệnh viêm phổi hoại tử do vi khuẩn phế cầu. Trước đó bé trai khỏe mạnh, sinh đủ tháng nhưng chưa tiêm vắc-xin phòng phế cầu khuẩn.
Một bệnh nhi khác (5 tháng tuổi, TPHCM) cũng mắc viêm phổi do phế cầu sau khi mắc cúm 5 ngày. Viêm phổi khiến bé sốt cao, ho đờm, thở mệt, phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM trong 2 tuần. Hiện, sức khỏe trẻ đã ổn định.
Khoa Hô hấp - Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cũng ghi nhận tình trạng trẻ nhập viện đông vì nhiều bệnh lý liên quan đến hô hấp. Trung bình, khoa tiếp nhận tầm 30 ca bệnh/ngày và trên 80% nguyên nhân viêm phổi nặng đều do phế cầu.
Phế cầu khuẩn còn được đặc trưng bởi tình trạng kháng kháng sinh. Tính kháng kháng sinh này khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn và gây áp lực nặng nề cho cả bệnh nhân cũng như hệ thống y tế. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp phế cầu khuẩn vào danh sách 12 loại vi khuẩn kháng thuốc mạnh mẽ và gây hậu quả nghiêm trọng nhất.
Tại Việt Nam trong giai đoạn năm 1999 - 2003, cứ 100.000 trẻ dưới 2 tuổi lại có đến 37 trẻ viêm màng não do mắc phế cầu, chiếm tỷ lệ 0,037%. Trong giai đoạn 2005 - 2006, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi mắc phế cầu xâm lấn là 4,7/100.000 trẻ. Tỷ lệ trẻ nhũ nhi dưới 1 tuổi mắc phế cầu xâm lấn là 193,4/100.000.
Theo ước tính số ca tử vong vào năm 2015 của WHO, không chỉ người lớn, phế cầu là một trong những nguyên nhân chính gây ra viêm phổi nặng ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Cũng theo ước tính này, vi khuẩn Hib và phế cầu chiếm khoảng 65% tổng số trường hợp tử vong do nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới.
BSCKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC - cho biết, ước tính vào năm 2015, có khoảng 8,9 triệu ca mắc phế cầu khuẩn. Ngoài ra, có đến 257.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong khi mắc các bệnh do phế cầu.
Theo kết quả thống kê của Liên minh Toàn cầu về Vắc-xin và Tiêm chủng (GAVI), trong giai đoạn 2000 - 2019, tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi đã giảm 57% (từ 1,6 triệu người xuống còn 672.000 người) nhờ nỗ lực gia tăng tỷ lệ tiêm chủng trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tốc độ bao phủ vắc-xin phế cầu cho trẻ em đang có dấu hiệu chững lại khi chỉ đạt 48%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với các bệnh truyền nhiễm khác như bạch hầu - ho gà - uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B…
Theo BSCKI Bạch Thị Chính, tiêm ngừa sớm vắc-xin phế cầu giúp ngăn chặn các đợt viêm tai giữa cấp gây ra bởi phế cầu. Từ đó, ít gây sự tổn thương tai giữa hơn. Đồng thời, ngăn được các đợt viêm tai giữa tái phát gây ra bởi phế cầu và những tác nhân khác.
Di chứng nặng nề
TS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, phế cầu khuẩn là nhóm vi khuẩn thường gặp ở Việt Nam. Loại vi khuẩn này nguy hiểm với trẻ em dưới 2 tuổi và người già từ 65 tuổi trở lên, người suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh mạn tính.
Đã có nhiều ca mắc di chứng nặng nề do nhiễm phế cầu khuẩn. Trong đó, một số di chứng có thể bao gồm viêm màng não, nhiễm trùng máu - viêm phổi hoại tử…
TS Hải nhấn mạnh, bệnh do phế cầu khuẩn diễn biến nặng, tỷ lệ di chứng tử vong cao, tình trạng kháng thuốc gia tăng. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng vắc-xin phòng bệnh còn thấp.
ThS.BS Bùi Ngọc An Pha, cố vấn chuyên môn, nguyên Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, chia sẻ: “Vi khuẩn phế cầu là nguyên nhân phổ biến dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm, trong đó có viêm phổi. Trung bình, cứ 20 giây sẽ có một trẻ tử vong vì viêm phổi gây ra do phế cầu khuẩn. Tại Việt Nam, hằng năm, bệnh viêm phổi tước đi mạng sống của 4.000 trẻ, trong tổng số 2,9 triệu ca mắc”.
Theo chuyên gia này, phế cầu là một loại vi khuẩn rất đặc biệt vì nó có sẵn trong vùng hầu họng của mỗi người. Khi thời tiết hoặc môi trường sống thay đổi, nhất là với trẻ bị hen suyễn, vi khuẩn phế cầu rất dễ xâm nhập.
Sự nguy hiểm của bệnh lý viêm phổi do vi khuẩn phế cầu chính là tình trạng sử dụng kháng sinh. Khi sử dụng nhiều lần, lâu dần gây ra tình trạng đề kháng kháng sinh. Đến một lúc nào đó, vi khuẩn sẽ không còn nhạy cảm với một loại kháng sinh nào nữa. Từ đó, gây nhiều khó khăn trong công tác điều trị.
Vi khuẩn phế cầu nằm trong vùng hầu họng. Nếu sức đề kháng mạnh, thì một người sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sau khi cảm lạnh hoặc gặp phải vấn đề nào đó khiến sức đề kháng suy giảm, hệ thống lông chuyển trong đường hô hấp không thể đẩy các chất đờm ra ngoài.
Từ đó, tạo điều kiện cho những vi khuẩn có sẵn trong hầu họng xâm nhập vào cơ thể gây bệnh viêm phổi. Trong trường hợp nặng hơn, vi khuẩn sẽ chạy vào máu gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
“Phế cầu khuẩn là một loại vi khuẩn thường trú trong cơ thể con người. Mỗi khi có điều kiện, nó sẽ tấn công vào cơ thể. Nơi dễ bị tấn công nhất là phổi. Đó chính là lý do người lớn và trẻ em nên tiêm vắc-xin phòng các bệnh do phế cầu khuẩn”, ThS An Pha khuyến cáo.