Một bệnh nhi 15 tuổi sống tại tỉnh Thanh Hóa vừa được phát hiện mắc bệnh Whitmore (hay còn gọi là bệnh "vi khuẩn ăn thịt").
Ngày 4/9, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa với tình trạng hôn mê, gọi hỏi không đáp ứng, thở oxy, đường thở tăng tiết đờm, chảy máu chân răng, thở nấc, đồng tử 2 bên 3mm, nhịp tim không đều, nhanh, có nhịp ngoại tâm thu, phổi thông khí 2 bên giảm...
Xét nghiệm cấy máu kết quả có vi khuẩn gây bệnh Brukholderia pseudomallei (vi khuẩn gây bệnh Whitmore).
Với khả năng gây ra dạng tổn thương đáng sợ trên da thịt, các trường hợp phát hiện được thường đã diễn biến nặng, Whitmore gây không ít hoang mang cho người dân.
Theo các chuyên gia, Whitmore tuy là bệnh không thường gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao.
Mầm bệnh thường ẩn nấp trong bùn đất, có thể lây qua vết xước
Theo BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây bệnh Whitmore sống trên bề mặt nước, trong đất, đặc biệt là bùn đất.
"Trong môi trường tự nhiên, vi khuẩn này sống chủ yếu trong đất ẩm, đặc biệt tìm thấy nhiều trong đất sét ở độ sâu 25-45cm. Vi khuẩn có khả năng tồn tại trong những điều kiện môi trường khác nhau như môi trường nghèo chất dinh dưỡng, môi trường khô hạn hay axit", BS Thiệu phân tích.
Vi khuẩn này lây sang người thông qua vết trầy xước trên da hoặc qua đường hô hấp, khi hít phải các hạt bụi đất hoặc giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn.
Do đó, những người thường xuyên làm việc trong môi trường này như người lao động, nông dân có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao hơn.
Ngoài ra, bệnh thường gặp nhất vào mùa mưa và ở các nơi nguồn nước bị ô nhiễm như khu vực ngập lụt.
Bệnh Whitmore có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi. Tuy nhiên, có một số đối tượng có nguy cơ dễ mắc bệnh và bệnh dễ tiến triển nặng hơn.
Bên cạnh đó, các đối tượng có cơ địa đặc biệt như người nghiện rượu, người mắc bệnh mạn tính như: đái tháo đường, gout, bệnh lý gây suy giảm miễn dịch thì sẽ có nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn.
Whitmore nguy hiểm vì dễ bị bỏ sót, chẩn đoán nhầm
Biểu hiện lâm sàng bệnh Whitmore rất đa dạng, từ không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, đến các biểu hiện như các bệnh nhiễm trùng khác. Ví dụ như các ổ viêm nhiễm khu trú trên da, viêm phế quản phổi, viêm đường tiết niệu, viêm tuyến mang tai…
Bệnh cũng có thể gây nhiễm khuẩn huyết, hình thành ổ áp xe ở các cơ quan nội tạng trong cơ thể và có thể dẫn đến sốc nhiễm khuẩn.
Bệnh không có triệu chứng điển hình, dễ nhầm với các bệnh nhiễm trùng khác, đặc biệt ở giai đoạn đầu.
"Whitmore là một bệnh lý nhiễm trùng khá nguy hiểm. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn gây bệnh có thể làm hoại tử và chết các mô trong cơ thể. Đây cũng là nguyên nhân khiến Whitmore thường được người dân gọi với cái tên "ăn thịt"
Trên thực tế, đây là dạng tổn thương có ở nhiều bệnh lý nhiễm trùng gây ra bởi các căn nguyên khác chứ không riêng gì Whitmore", BS Thiệu cho hay.
Whitmore cũng không phải là căn bệnh mới xuất hiện. Theo y văn, loại vi khuẩn gây bệnh này đã được phát hiện từ đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, do Whitmore dễ bị nhầm lẫn với các bệnh vi khuẩn khác, nên trong giai đoạn trước chúng ta ít khi chú ý để sàng lọc nên dễ bỏ sót.
Trong trường hợp bị bỏ sót hoặc điều trị nhầm theo hướng nhiễm trùng thông thường, bệnh có thể tiến triển kéo dài, dai dẳng và gây ra các biến chứng nặng nề, thậm chí là tử vong.
Biện pháp hiệu quả nhất để chống lại Whitmore
Theo BS Thiệu, Whitmore điều trị chậm trễ có thể gây nguy hiểm, trong khi ở giai đoạn đầu lại không có dấu hiệu.
Bộ Y tế khuyến cáo chủ động thực hiện 7 giải pháp dưới đây để phòng bệnh Whitmore:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước, sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.
- Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng.
- Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.
- Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.
- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
- Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
"Bên cạnh đó, vì dấu hiệu bệnh không rõ ràng nên khi cơ thể có các triệu chứng bất thường, tốt nhất nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế, không nên chủ quan tự điều trị tại nhà", BS Thiệu nhấn mạnh.