Tình trạng nôn trớ ở trẻ xảy ra thường xuyên dễ khiến bé mệt mỏi, kén ăn mà mẹ cũng đau đầu tìm cách điều trị. Để biết cách xử lý khi trẻ nôn trớ, trước hết cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này.
Theo nghiên cứu từ các bác sĩ Nhi khoa, thông thường trẻ bị nôn trớ là do:
1. Trào ngược dạ dày
Hệ thống tiêu hóa của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn non nớt và đang phát triển. Bởi vậy, việc tiêu thụ một lượng thực phẩm lớn sẽ làm đầy dạ dày, khiến thức ăn, acid dạ dày có thể chảy ngược lại ống dẫn thực phẩm của bé.
Hiện tượng trào ngược không đáng lo ngại khi bé chỉ bị trớ một chút sữa sau khi ăn và vẫn khỏe mạnh, không khó chịu. Tuy nhiên trường hợp nặng hơn, trẻ thường xuyên nôn sau khi ăn khiến bé mệt mỏi, khóc và ho rất nhiều. Bên cạnh đó bé còn tỏ ra khó chịu, sợ khi được mẹ cho ăn.
Việc tốt nhất các mẹ nên làm khi trẻ bị nôn trớ là đưa con đi khám bác sĩ để kiểm tra và kê đơn thuốc dạ dày dành riêng cho trẻ nhỏ hoặc có thể là những thực phẩm hỗ trợ để khiến hiện tượng này chấm dứt.
2. Dị ứng với sữa bò
Không chỉ sữa tươi mà một số loại sữa dành riêng cho trẻ sơ sinh cũng có lượng sữa bò nhất định. Ngoài ra những thực phẩm như pho-mai, sữa chua, váng sữa cũng chứa sữa bò.
Trẻ sơ sinh dị ứng với sữa bò vì bé phản ứng, gặp khó khăn khi tiêu hóa với protein trong sữa bò và lactose - một loại đường tự nhiên tìm thấy trong sữa. Nếu con của bạn bị dị ứng với sữa bò thì bé có thể bị nôn ngay sau khi ăn. Mặc dù hiện tượng này khá giống với việc nôn do trào ngược nhưng bạn có thể xác định chính xác hơn nếu thấy những hiện tượng đi kèm ở trẻ như: dị ứng, mẩn ngứa da, đau bụng, tiêu chảy, táo bón.
Để hạn chế việc này, bạn nên dừng ngay việc uống sữa ngoài mà chỉ cho bé dùng sữa mẹ. Bên cạnh đó, các mẹ cũng đừng quên đưa con đi gặp bác sĩ để biết chính xác tình trạng khi trẻ bị nôn trớ để có hướng điều trị phù hợp. Ngoài ra bạn cũng nên hỏi bác sĩ về những loại sữa bổ sung trẻ có thể sử dụng được.
3. Có vấn đề dạ dày
Nếu em bé hay bị nôn đột ngột cùng với tiêu chảy thì rất có thể bé đang bị viêm dạ dày. Loại bệnh này có thể do virus hoặc vi khuẩn gây nên. Nôn và tiêu chảy làm trẻ mất đi một lượng chất lỏng không hề nhỏ. Lượng chất lỏng này phải được thay thế, bổ sung để bé không bị mất nước.
Hãy đưa con đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể nếu bạn nghi ngờ bé đang mắc phải tình trạng này để được tư vấn, đưa ra giải pháp điều trị tốt nhất cho bé.
4. Bị ốm hoặc nhiễm trùng
Trẻ bị nôn trớ nguyên nhân có thể do bệnh hoặc nhiễm trùng. Bạn có thể xác định hiện tượng này nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu khác như: sốt, ăn không ngon, cáu gắt, không tỉnh táo, phát ban, ho, nghẹt mũi.
Nôn mửa có thể chỉ là dấu hiệu của các loại bệnh thông thường nhưng bên cạnh đó mẹ cũng không được lơ là. Thời điểm giao mùa hiện nay là thời điểm dễ để các loại dịch bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết nên các mẹ cần hết sức chú ý đến các triệu chứng bệnh để phát hiện kịp thời. Tốt nhất hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay nếu bé nôn nhiều và có xuất hiện những hiện tượng khác.
5. Hẹp môn vị
Đây là nguyên nhân gây nôn mửa ít gặp nhưng không thể coi thường đối với trẻ sơ sinh. Hiện tượng này thường xuất hiện ở các bé trai khi được khoảng 6 tuần tuổi.
Hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh (hay còn gọi là hẹp môn vị phì đại) gây tắc nghẽn đường ra ở ống tiêu hóa. Khi đường này không được thông sẽ làm thức ăn bị ứ trong dạ dày khiến bé phải nôn ra.
Dù bị nôn nhiều nhưng trẻ sẽ đói sớm và muốn ăn tiếp ngay sau đó. Bên cạnh hiện tượng trẻ bị nôn trớ sau khi ăn, các bậc cha mẹ nên chú ý tới phân, cân nặng và trạng thái của trẻ để đưa bé đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị sớm.