Có những trường hợp trẻ bị mẩn ngứa, sưng, đỏ da sau khi dùng kem làm ẩm, dầu gội đầu hoặc dùng son môi, phấn trang điểm, nước tẩy rửa móng tay...
Đối với trẻ thường xuyên phải trang điểm khi đi tiệc, văn nghệ... phụ huynh nên tìm những sản phẩm có uy tín, chính thống và chỉ nên dùng một lượng nhỏ. Đặc biệt cần phải tẩy trang sạch sẽ, không để lớp trang điểm lâu trên da mặt bé.
BS Huỳnh Minh Thẩm
“Coi chừng thuốc nhuộm, kem chống muỗi...
BS Huỳnh Minh Thẩm (khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM) cho biết mỗi tháng khoa khám bệnh lại tiếp nhận vài trường hợp trẻ nhỏ bị viêm da kích ứng, dị ứng hóa chất.
Cụ thể, trẻ bị chàm môi do sử dụng son môi, viêm da đầu do dầu gội hay thuốc nhuộm tóc. Da trẻ nổi mẩn đỏ, bị viêm trên diện rộng do tiếp xúc các sản phẩm bôi lên da, sản phẩm chống muỗi...
Qua khai thác bệnh sử được biết nguyên nhân chính là do các bà mẹ tự ý sử dụng mỹ phẩm, các sản phẩm chăm sóc da, dầu gội... lên làn da trẻ nhỏ, không qua tham vấn ý kiến bác sĩ.
Theo BS Thẩm, làn da trẻ nhỏ rất mong manh và nhạy cảm cho nên dù phụ huynh có dùng các sản phẩm uy tín cho trẻ thì vẫn có thể bị kích ứng, dị ứng. Mức độ này trầm trọng hơn khi phụ huynh cho trẻ sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
BS Thẩm còn cho hay tại khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2, các sản phẩm dùng cho da trẻ đều được Bộ Y tế công nhận, tuy nhiên không phải sản phẩm nào cũng phù hợp cho mọi làn da của trẻ. Thực tế đã có nhiều trẻ mắc cùng một bệnh ngoài da nhưng làn da trẻ này thì thích hợp sử dụng nhưng làn da trẻ khác lại không thích hợp.
Không nên sơn móng tay, chân cho trẻ
BS Thẩm khuyến cáo phụ huynh cần tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi cho trẻ sử dụng các sản phẩm thoa trên da hay dầu gội đầu. Nếu chưa tham vấn được ý kiến bác sĩ, trước khi bôi sản phẩm lên da trẻ, phụ huynh cần khoanh vùng và bôi trên diện hẹp xem trẻ có bị kích ứng, dị ứng hay không rồi mới bôi toàn thân.
Khi làn da trẻ có biểu hiện nổi mẩn sau khi sử dụng các sản phẩm nêu trên, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất thăm khám và đưa ra hướng điều trị thích hợp.
Ngoài ra, phụ huynh không nên sơn móng tay, móng chân cho trẻ vì thành phần sơn móng chủ yếu là hóa chất nên dễ gây viêm nhiễm, kích ứng ở bờ móng, khóe móng...
Nguy cơ từ mỹ phẩm
Ông Nguyễn Minh Quang cho biết có những em bé bị dị ứng ngay sau khi được người lớn có sử dụng mỹ phẩm "thơm" nhẹ. Lý do bé đã dị ứng với thành phần có trong mỹ phẩm.
Bệnh viện Da liễu Hà Nội đã tiếp nhận nhiều ca bệnh nhi bị dị ứng, bé có thể bị nổi mẩn, nổi mề đay, ngứa, truy nguồn gốc thì gia đình cho biết bé có được bôi hoặc sử dụng một số loại kem, dầu tắm gội trước đó.
"Thậm chí trẻ có thể bị dị ứng nếu người lớn sử dụng loại mỹ phẩm chứa chất gây dị ứng cho bé, đến thơm nhẹ vào má bé. Đã có những trường hợp như vậy được thông báo và việc tìm kiếm nguyên nhân rất khó khăn" - ông Quang cho biết.
Một chuyên gia về mỹ phẩm ở VN chia sẻ thông thường mỗi năm, hãng mỹ phẩm lớn có báo cáo dị ứng mỹ phẩm gửi Bộ Y tế. Theo quy định hiện hành, với các vụ dị ứng nghiêm trọng, nhà sản xuất/kinh doanh mỹ phẩm phải báo cáo Bộ Y tế trong vòng 48 giờ, những trường hợp có dị ứng, bất thường sau sử dụng mỹ phẩm nhưng mức độ nhẹ hơn có thể báo cáo theo năm.
"Tuy nhiên vì yêu cầu nhưng không có chế tài, rất ít cơ sở sản xuất kinh doanh mỹ phẩm báo cáo, đặc biệt là các vụ dị ứng ở trẻ em. Ngoài việc người lớn bôi những loại mỹ phẩm của người lớn cho trẻ hoặc để các loại mỹ phẩm không cẩn thận khiến trẻ táy máy đụng vào tìm hiểu, thì trẻ còn bị dị ứng mỹ phẩm dành riêng cho trẻ.
Danh sách mỹ phẩm dùng cho trẻ em không nhiều như người lớn, nhưng vẫn có và thực tế đã có những trường hợp bị loét, đỏ da, nổi mề đay... do dị ứng mỹ phẩm" - chuyên gia này chia sẻ.
Theo ông Quang, các phụ huynh nên chú ý trẻ cũng có nguy cơ bị dị ứng mỹ phẩm, giống như ở người lớn nhiều người bị nám da, loét và dày bì các vùng da có bôi mỹ phẩm do bị dị ứng. Thậm chí nguy cơ dị ứng ở trẻ em còn cao hơn do da trẻ còn non mềm, dễ bị tác động.
Vì vậy, rất nên chọn những loại mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên hoặc hữu cơ cho trẻ, không nên lựa chọn những loại mỹ phẩm dễ có nguy cơ gây dị ứng như sơn móng tay, móng chân, son môi, các loại nhũ mắt, nhất là sản phẩm trôi nổi.
Các chuyên gia y tế cho rằng người lớn dùng các loại hóa mỹ phẩm nên tránh để trẻ tiếp cận, cầm chơi. Nếu trẻ lỡ nuốt hay để hóa chất dây vào mắt, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Trẻ bị nạn do khám phá mỹ phẩm
Cứ mỗi hai giờ lại có một trẻ em ở Mỹ bị cấp cứu liên quan đến mỹ phẩm, dầu gội đầu và các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Đây là con số mà các nhà khoa học cảnh báo trên tạp chí Clinical Pediatrics (Nhi khoa lâm sàng).
Ghi nhận tại các phòng cấp cứu từ năm 2002 đến 2016 ở Mỹ cho thấy có gần 65.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị tổn thương liên quan đến hóa mỹ phẩm gia đình. Tính ra, trung bình một trường hợp mỗi hai giờ.
Trong 86% trường hợp, trẻ bị ngộ độc dạng nhẹ do nuốt nhầm hóa chất. Phần lớn các trường hợp còn lại liên quan đến bỏng hóa chất.
Cứ 3 trong số 5 trường hợp có liên quan đến trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ rất thích đưa mọi thứ vào miệng để khám phá và do đó dễ bị nạn.
Bà Rebecca McAdams, công tác tại Trung tâm nghiên cứu và chính sách về chấn thương tại Bệnh viện Nhi quốc gia ở Columbus, bang Ohio và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Đối với các bé, màu sắc của các chai lọ hóa mỹ phẩm này rất bắt mắt và mùi thì có vẻ ăn được. Do đó, các bé cố mở nắp và thử một miếng".
Theo nhóm tác giả, hầu hết phụ huynh ở Mỹ đều để trong nhà vệ sinh thứ gì đó có khả năng gây nguy hiểm cho trẻ.
Trong nghiên cứu, các chấn thương liên quan đến sản phẩm chăm sóc móng tay, móng chân chiếm 28% (thuốc rửa móng 17% và sơn móng 9%), sản phẩm chăm sóc tóc 27%, chăm sóc da 25%, 13% liên quan đến nước hoa, hóa chất duỗi thẳng tóc 10%, dầu gội và dầu xả 7%, kem dưỡng da và dưỡng thể 10%.
Lời khuyên của các chuyên gia là nếu có trẻ nhỏ trong nhà, hãy xem các loại chai lọ đựng sơn móng tay, xà bông, nước hoa... giống như thuốc.