Nguyên nhân và dấu hiệu trẻ bị đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện vào giai đoạn cuối hè đầu thu khi thời tiết chuyển mùa. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh này do virus Adenovirus hoặc các loại vi khuẩn liên cầu, tụ cầu gây nên. Trẻ em là đối tượng mắc bệnh đau mắt đỏ phổ biến nhất do sức đề kháng chưa hoàn thiện.
Trẻ bị đau mắt đỏ thường có dấu hiệu mắt đỏ, đổ ghèn nhiều. Thông thường, một bên mắt sẽ đỏ trước, sau đó lan sang mắt còn lại. Trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, mắt nổi cộm, khó mở khi vừa ngủ dậy. Vùng mi mắt trẻ cũng sưng nề kèm theo hiện tượng đau nhức, sưng mắt. Nhiều trường hợp trẻ còn bị viêm kết mạc giả dẫn đến bệnh lâu khỏi hơn những bệnh khác.
Thị lực của trẻ khi bị đau mắt đỏ không bị giảm sút nhưng nếu không điều trị kịp thời chứng bệnh này có thể dẫn đến phù đỏ, xuất huyết dưới kết mạc… gây hậu quả nghiêm trọng.
Cách chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ
Cảm giác khó chịu sẽ khiến bé liên tục lấy tay dụi mắt khi bị đau mắt đỏ. Cha mẹ nên nhắc nhở đồng thời đưa trẻ đi khám ban đầu để kiểm tra tình trạng bệnh của mắt và sử dụng thuốc theo toa. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc điều trị.
Bên cạnh đó, trong quá trình chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ tại nhà, cha mẹ cần lưu ý:
- Vệ sinh mắt cho trẻ thường xuyên: Trẻ bị đau mắt đỏ cần được làm sạch và lấy ghèn mắt 2 lần/ngày. Cha mẹ có thể dùng nước muối sinh lý 0,9% hoặc nước mắt nhân tạo để lau mắt cho trẻ. Lưu ý nên cho trẻ sử dụng khăn mặt riêng, có thể nấu qua nước sôi để tiêu diệt vi khuẩn nếu cha mẹ thấy cần thiết.
- Đeo kính tránh bụi bẩn, dị vật bay vào mắt: Đa số người bệnh bị đau mắt đỏ đều đeo kính để tránh bụi bẩn, tránh nhiễm trùng khiến bệnh lâu khỏi.
- Rửa tay sạch bằng xà phòng sát khuẩn: Các bậc phụ huynh nên lưu ý trẻ mắc bệnh đau mắt đỏ rửa tay bằng xà phòng trước khi sờ lên mặt hay vùng mắt, mũi.
Trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cha mẹ nên chú ý đa dạng hóa các món ăn cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất, đặc biệt là các thực phẩm giàu vitamin nhóm B, vitamin C để sức đề kháng của trẻ được tăng cường.