Thừa cân, béo phì ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ như nào?
Ảnh minh họa
Béo phì ở trẻ em là yếu tố nguy cơ béo phì ở người lớn, chắc chắn rằng, béo phì ở trẻ em ảnh hưởng đến sức khỏe khi trưởng thành. Vì ở người béo phì có nguy cơ mắc các bệnh tăng huyết áp, tăng cholesterol dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... và có nguy cơ mắc các bệnh lý khác như bệnh đái tháo đường, bệnh sỏi mật, cơ xương khớp... Quan trọng hơn nữa là trẻ béo phì thường vụng về, chậm chạp, hay bị bạn bè trêu chọc ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng học tập. Hơn nữa, việc điều trị những bệnh này lại góp phần làm tăng cân hoặc hạn chế hoạt động như vậy càng làm béo hơn. Vì thế, can thiệp sớm là việc làm cần thiết để ngăn ngừa các biến chứng này.
Trẻ béo phì cần ăn như nào để giảm được cân?
Ảnh minh họa
Điều cần thiết để trẻ béo phì có thể giảm cân đó là phải điều chỉnh chế độ ăn hợp lý. Nguyên tắc chính để điều trị thừa cân béo phì ở trẻ em là điều chỉnh chế độ ăn kết hợp với hoạt động thể lực.
Theo bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, trẻ em và người trưởng thành có nhu cầu dinh dưỡng rất khác nhau nên cần có chế độ ăn khác nhau. Ngay cả trẻ bị thừa cân, béo phì cũng không nên áp dụng chế độ ăn kiêng của người trưởng thành để tránh tác động xấu đến quá trình phát triển và sức khỏe các em. Hơn nữa trẻ còn phát triển nên chỉ cần giữ nguyên cân nặng, không tăng cân để đến khi các em tăng vẫn đạt hợp lý. Trường hợp béo phì nặng mức độ 2, 3 mới cần giảm cân.
Khi bố mẹ chế biến thức ăn nên làm các món hấp, luộc, hạn chế món quay, xào, rán. Nên cho trẻ béo phì ăn nhiều rau xanh, hoa quả ít ngọt. Cần có chế độ ăn điều độ, không ăn quá no, không được bỏ bữa, không để trẻ quá đói, ăn nhiều vào buổi sáng, không nên ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ. Ngoài ra, bạn nên khuyến khích con bạn tham gia các môn thể dục thể thao như chạy, bơi, nhảy dây,... hạn chế xem tivi, chơi điện tử. Quan trọng nhất là nên thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao, khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ và thời gian hoạt động của trẻ.
Cha mẹ cũng nên biết rằng, trẻ đang tuổi phát triển cần nhu cầu chất đạm cao hơn người trưởng thành. Trẻ nhỏ cũng có nhu cầu năng lượng chất béo rất cao, từ 35 đến 40% ở nhóm từ một đến 3 tuổi, 30% ở trẻ trên 3 tuổi, trong khi người trưởng thành chỉ không quá 25%. Do đó, ở giải đoạn này các chuyên gia khuyến nghị nên cân đối tỷ lệ giữa lipid động vật và lipid thực vật là 70% và 30%. Trẻ cũng cần được cung cấp đầy đủ chất xơ và vitamin.
Đặc biệt, nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy giấc ngủ có ảnh hưởng đến tình trạng thừa cân béo phì. Vì vậy cần chú ý cho trẻ ngủ đủ giấc, không thức quá khuya.