Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, tin từ Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, một số tỉnh có mức sinh thấp đã quy định hỗ trợ 1 lần bằng tiền cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi.
Theo đó, có 21 tỉnh, thành phố thuộc vùng có mức sinh thấp gồm: TP.HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.
Bên cạnh 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao (trên 2,2 con), thì có 21 tỉnh, thành phố này có mức sinh thấp (dưới 2 con), thậm chí một số nơi mức sinh rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến cả 2 nhóm vùng.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Cục dân số nhận định có thể do trình độ phát triển giữa các vùng có sự khác biệt; văn hóa, tập quán của người dân vùng sinh thấp không có áp lực phải "cố đẻ con trai"; vấn đề di cư - xuất cư tạo ra cuộc sống không ổn định, không thuận lợi cho việc sinh sản.
Ngoài ra cũng theo đại diện Cục Dân số, khảo sát điều tra của cục cho thấy khoảng 91% các cặp vợ chồng cho biết chi phí nuôi dạy con hiện nay là đắt đỏ. Do vậy, nhà nước cần có những hỗ trợ để giảm chi phí nuôi con.
Đồng thời, nhà nước có thể sẽ nghiên cứu bổ sung thêm các hỗ trợ như chế độ làm việc của cha mẹ, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học...
Theo thông tin từ báo Thanh Niên, bà Võ Thị Hoàng Loan, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hậu Giang, xác nhận ở tỉnh có chính sách khen thưởng cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Cụ thể, theo Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày 6.7.2022 của HĐND tỉnh Hậu Giang, có hiệu lực từ ngày 15.7.2022, đã nêu rõ tặng giấy khen của Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, theo quy định của luật Thi đua khen thưởng. Nguồn kinh phí từ Quỹ thi đua - khen thưởng huyện.
Ngoài ra, còn hỗ trợ một lần 1,5 triệu đồng tiền viện phí cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, không vi phạm chính sách dân số. Đồng thời, hỗ trợ một lần chi phí khám sàng lọc trước sinh (siêu âm và xét nghiệm Down, Edward, Patau, Dị tật ống thần kinh, Thalassemia...) và sàng lọc sơ sinh (Thiếu men G6PD, Suy giáp bẩm sinh, Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, Điếc bẩm sinh, Tim bẩm sinh) theo giá dịch vụ y tế hiện hành tại các cơ sở y tế công lập. Kinh phí của hai chính sách hỗ trợ này từ nguồn sự nghiệp y tế.
Bà Loan thông tin thêm, trong năm đầu thực hiện, kinh phí để khen thưởng (bao gồm cả khen thưởng xã, phường, thị trấn thực hiện nhiều năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con… - PV) là khoảng 3 tỉ đồng.
Ở TP.HCM cũng không có chuyện thưởng tiền nếu sinh đủ 2 con trước 35 tuổi như trong các bài viết trên mạng xã hội đề cập.
Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết TP.HCM là 1 trong 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp nhất cả nước. Tuy nhiên trong nhiều nghiên cứu, ý kiến tư vấn của các chuyên gia và từ phía chính người dân, để giải quyết bài toán mức sinh thấp đòi hỏi phải tiếp cận từ nhiều bên cùng một lúc. Có rất nhiều nguyên dẫn đến việc các cặp vợ chồng ngại kết hôn: một nhóm các cặp vợ chồng không muốn sinh thêm con và một nhóm muốn sinh nhưng không dám sinh thêm con.
Điểm chung của hai nhóm này chính là sự lo lắng cho tương lai của gia đình với những áp lực của cuộc sống. Tuy nhiên, đối với nhóm không dám sinh thêm con thì áp lực lớn nhất chính là áp lực về kinh tế còn đối với nhóm không muốn sinh thêm thì có nhiều nỗi lo lắng về gánh nặng việc nhà và gia đình bên cạnh công việc ngoài xã hội, sự lo ngại về chất lượng môi trường sống và các điều kiện về y tế, giáo dục, đặc biệt là các cơ hội phát triển, thăng tiến của bản thân, chất lượng cuộc sống gia đình.
"Tại TP.HCM, hiện nay ngành dân số đang bắt đầu từ hoạt động cơ bản nhất là truyền thông, chuyển tải các thông điệp về mức sinh thấp, những hệ lụy... đến người dân và xã hội để mọi người hiểu hơn về vấn đề này. Từ các nguyên nhân đã nhận định ở trên, cho đến hiện nay, TP.HCM đang đi những bước đi thận trọng trong việc điều chỉnh mức sinh dựa trên việc quan sát các kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng như ý kiến đóng góp của chuyên gia và của chính người dân phản hồi qua nhiều kênh truyền thông. Chi cục đã có những đề xuất tham mưu đối với Sở Y tế trong Dự thảo về chính sách Dân số tại TP.HCM đến năm 2030 để trình HĐND TP.HCM. Cụ thể, các giải pháp đề xuất được tập trung vào việc hỗ trợ về mua nhà ở xã hội đối với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, hỗ trợ viện phí (kinh phí đồng chi trả, ngoài chi phí bảo hiểm y tế thanh toán) cho các cặp vợ chồng khi sinh con, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn…", ông Trung cho biết.
Theo ông Trung, để thực hiện khuyến sinh không đơn giản chỉ là sự thay đổi về số con, hỗ trợ chỉ một lần mà quan trọng nhất vẫn là những chế độ hỗ trợ lâu dài cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi kết hôn và sinh con để làm thế nào họ có thể nuôi dạy con cái trong điều kiện phát triển tốt nhất vì đây chính là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai cũng như phù hợp mục tiêu quan trọng nhất của chính sách dân số chính là nâng cao chất lượng dân số.