Nội dung bài viết
Không phải cha mẹ nào cũng có đủ hiểu biết và bình tĩnh để xử lý mỗi khi con bị ốm sốt. Đặc biệt là khi bé bị sốt cao. Nếu không hạ sốt đúng cách có thể khiến cho bệnh càng chuyển biến nặng hơn rất nguy hiểm đối với trẻ.
Nguyên nhân trẻ 3 tuổi bị sốt
Điều cần làm đầu tiên của mẹ là xác định nguyên nhân khiến trẻ 3 tuổi bị sốt. Có nhiều bệnh khiến cho thân nhiệt của bé tăng lên đột ngột. Đó là những biểu hiện cho thấy cơ thể trẻ đang phản ứng với các tác nhân của môi trường.
Trẻ 3 tuổi, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hẳn, lại đã dứt sữa mẹ nên không được nhận các kháng thể từ mẹ. Trẻ cũng bắt đi mẫu giáo, tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều hơn... Tất cả những yếu tố này sẽ khiến cho nguy cơ mắc bệnh của trẻ cao hơn dẫn đến các hiện tượng trẻ 3 tuổi bị sốt và bệnh nhiều hơn.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ bị sốt như: Sự xâm nhập của virus, vi khuẩn, trẻ mọc răng, do tiêm chủng, do ủ ấm trẻ quá kỹ... và một số có thể là dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não...
Cách xử lý khi trẻ bị sốt
Khi tìm hiểu được nguyên nhân khiến trẻ 3 tuổi bị sốt bạn sẽ có cách hạ sốt thích hợp cho bé.
Trẻ 3 tuổi bị sốt xuất huyết
Biểu hiện: Trẻ bị sốt xuất huyết sẽ trải qua 3 giai đoạn. Mỗi giai đoạn có một số triệu chứng điển hình như sau:
Giai đoạn 1: Giai đoạn sốt
Trẻ bị sốt cao đột ngột và liên tục. Đau đầu, nôn ói, đau toàn thân và nhức 2 hốc mắt.
Da bị xuất huyết, có những chấm đỏ dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam…
Giai đoạn 2: Giai đoạn nguy hiểm
Thông thường giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 3 đến thứ 7 của bệnh.
- Trẻ đã hạ sốt nhưng xuất hiện nhiều biểu hiện đặc trưng như: Sưng nề mi mắt, đau bụng, nôn ói, đau ngực, khó thở. Nếu tình trạng nặng có thể biểu hiện vật vã, li bì, lạnh đầu và chân tay, thân nhiệt hạ một cách đột ngột.
- Các chấm đỏ xuất hiện dưới da. Thường ở mặt trước 2 cẳng chân và mặt trong cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc bầm tím. Có cảm giác rát và ngứa.
- Chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi tiểu ra máu, nôn ra máu, đi cầu phân đen, xuất huyết phối, não là biểu hiện của biến chứng nặng.
Giai đoạn 3: Giai đoạn hồi phục
Trẻ hết sốt, sức khỏe ổn định, thèm ăn và đi tiểu nhiều.
Cách xử lý khi trẻ bị sốt xuất huyết
Thường trẻ bị sốt xuất huyết sẽ sốt rất cao, cách lau người tỏ ra không hiệu quả. Bạn nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ có thành phần là paracetamol. Tuyệt đối không sử dụng các thuốc hạ sốt có thành phần khác.
Khi trẻ đã hạ sốt rồi thì vệ sinh mắt mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Cho trẻ uống nước nhiều hơn để hạ thân nhiệt. Uống thêm các loại nước cam, chanh, oresol..., ăn thức ăn lỏng.
Luôn luôn theo dõi và đo nhiệt độ của trẻ. Nếu trẻ có những biểu hiện nặng đã nêu, lập tức đưa đến bệnh viện để các bác sĩ có biện pháp xử lý kịp thời.
Trẻ 3 tuổi bị sốt virus
Biểu hiện: Trẻ 3 tuổi bị sốt siêu vi hay còn có tên gọi khác là sốt virus thường có những biểu hiện sau:
- Thường sốt cao trên 38 độ C. Trẻ mệt mỏi và ít đáp ứng với thuốc hạ sốt.
- Toàn thân đau ê ẩm, đau cơ bắp, đau đầu... Có trẻ chưa biết nói sõi thường quấy khóc nhiều.
- Ngoài ra còn xuất hiện một số triệu chứng như: ho, hắt hơi, chảy nước mũi trong...
- Nếu bị virus đường tiêu hóa thì có biểu hiện trẻ 3 tuổi bị sốt và tiêu chảy đi kèm, phân có máu, có chất nhầy...
Cách xử lý: Hầu hết trẻ bị sốt siêu vi đều tự khỏi mà không cần đến thuốc kháng sinh. Nếu sử dụng thuốc kháng sinh thì chẳng những không có tác dụng mà còn gây hại cho trẻ sau này.
Khi trẻ bị sốt khoảng 38 độ C thì chỉ nên lau mình cho trẻ bằng nước ấm. Dùng khăn sạch nhúng nước ấm, vắt bỏ bớt nước rồi lau khắp mình trẻ. Đặc biệt là nách và bẹn cho đến khi thân nhiệt hạ xuống 37 độ C là được.
Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, hãy hạ sốt cho trẻ bằng thuốc có thành phần là paracetamol theo đúng hướng dẫn thích hợp với độ tuổi và cân nặng của trẻ. Tuyệt đối không chườm nước lạnh bởi nước lạnh sẽ làm co mạch ngoại vi khiến sốt cao hơn.
Đối với một số trẻ có tiền sử co giật thì khi sốt 38 độ đã xuất hiện tình trạng co giật. Bác sĩ sẽ chỉ định trẻ uống thêm thuốc chống co giật khi bị sốt.
Trẻ sốt cao thường có nguy cơ thiếu nước. Cha mẹ nên chủ động cho trẻ uống nhiều nước, bù nước bằng oresol, ăn thức ăn lỏng, nhỏ nước muối vệ sinh mũi miệng để chống bội nhiễm, tắm nước ấm ở phòng kín, tránh gió lùa.
Trẻ 3 tuổi bị sốt viêm họng
Biểu hiện: Sốt nhẹ hoặc sốt cao, chảy nước mũi, ngạt mũi, hắt hơi, đau họng, đau đầu. Giai đoạn đầu trẻ thường ho khan, sau đó ho có đờm. Trẻ 3 tuổi bị sốt và nôn, quấy khóc, biếng ăn, mệt mỏi hay thở bằng miệng do bị ngạt mũi, có thể đi ngoài phân lỏng...
Cách xử lý:
- Giữ ấm cho trẻ, nhất là lòng bàn chân, ngực.
- Nếu trẻ sốt dưới 38 độ C thì dùng phương pháp lau mình bằng khăn ấm. Nếu trên 38,5 độ C thì lập tức đưa trẻ đến khám bác sĩ để được điều trị kịp thời. Bởi vì bệnh viêm họng tuy đơn giản nhưng nếu để bị biến chứng sẽ rất nguy hiểm. Mẹ cũng không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh hay dùng lại đơn thuốc của lần trước.
- Sau khi đã hạ sốt, mẹ vẫn nên đo nhiệt độ thường xuyên để theo dõi. Mặc quần áo thoáng mát, bổ sung nước cho trẻ bằng nước ép cam, chanh, giữ vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý...
Trẻ 3 tuổi bị sốt mọc răng
Biểu hiện: Trẻ 3 tuổi thường sẽ mọc thêm răng hàm. Có nhiều trẻ khi mọc răng đầu tiên không bị sốt nhưng đến khi mọc răng hàm lại bị sốt. Biểu hiện của trẻ 3 tuổi bị sốt do mọc răng hàm là: Trẻ chảy nước dãi nhiều, sốt nhẹ, quấy khóc, thích nhai, cắn bất cứ thứ gì trẻ túm lấy được, nướu sưng to, đỏ, chán ăn, thức đêm không ngủ, tiêu chảy...
Cách xử lý: Đa số trẻ khi mọc răng hàm đều bị sốt nhẹ. Nếu trẻ sốt dưới 38 độ C thì chỉ nên lau ấm để hạ sốt, cho ăn thức ăn lỏng, mát, chia làm nhiều bữa, không nên ép trẻ ăn.
- Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C kèm ngủ li bì, mệt mỏi, không chịu chơi thì nên đi khám bác sĩ để điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự dùng thuốc.
Trẻ 3 tuổi sốt không rõ nguyên nhân
Có một số trẻ tự dưng sốt mà cha mẹ không thể biết chính xác dấu hiệu thuộc nguyên nhân nào. Lúc này nhiệt độ của trẻ có thể tăng đột ngột rồi đột nhiên hạ xuống, có trẻ sốt nhẹ rồi thôi, có trẻ sốt cao ngủ li bì...
Cha mẹ không nên hốt hoảng mà phải dựa vào tình hình của trẻ lúc này. Nếu trẻ vẫn chơi đùa bình thường, không mệt mỏi, sốt nhẹ, mẹ có thể hạ sốt bằng lau nước ấm rồi tiếp tục theo dõi sức khỏe của trẻ.
Ngược lại, nếu trẻ sốt cao, khó hạ sốt, thở khó, có những biểu hiện lạ thì lập tức đưa đến bệnh viện để các bác sĩ can thiệp kịp thời.
Như vậy có thể thấy, trẻ 3 tuổi bị sốt là tình trạng thường gặp. Cha mẹ cần bình tĩnh căn cứ vào tình hình sức khỏe của trẻ, tìm hiểu nguyên nhân để có hướng xử lý kịp thời và đúng đắn.