Nội dung bài viết:
Biểu hiện của vấn đề trở ngại ngôn ngữ ở trẻ nhỏ
Theo các chuyên gia sức khỏe trẻ em trên Pcbaby cho biết: Thông thường trẻ khi đã được 2 tuổi đã có thể giao tiếp với bố mẹ và người xung quanh bằng những ngôn ngữ đơn giản để biểu đạt ý của mình. Như vậy, nếu trong trường hợp trẻ 2 tuổi chưa biết nói thì bố mẹ nên cẩn thận vấn đề trở ngại ngôn ngữ. Biểu hiện là gì?
- Trẻ đã qua 1 tuổi nhưng vẫn chỉ có thể phát âm a, o, e v.v…
- Trẻ quá 2 tuổi vẫn chưa biết nói chuyện.
- Trẻ 3 tuổi không thể nói liền câu hoàn chỉnh.
- Trẻ hơn 5 tuổi không phát âm được những từ khó, nhiều câu phát âm sai, ngôn ngữ không lưu loát, tiết tấu và tốc độ lời nói có biểu hiện bất thường.
- Trẻ nói chuyện tỏ ra rất mất sức, khó khăn và có nhiều vấn đề về mặt ý thức.
Nguyên nhân nào khiến trẻ 2 tuổi chưa biết nói?
Căn cứ vào các biểu hiện vừa nêu trên thì khi trẻ 2 tuổi chưa biết nói rất có thể là tín hiệu của trở ngại ngôn ngữ. Nguyên nhân gây ra vấn đề này có rất nhiều nhưng nhìn chung có thể chia thành 2 nhóm:
Một là trở ngại ngôn ngữ nguyên phát, bao gồm các triệu chứng như phát âm khó khăn, biểu đạt không rõ, nói chuyện mất sức v.v… Nguồn gốc thường là do viêm đường hô hấp, viêm dây thanh quản.
Một nhóm khác là trở ngại ngôn ngữ kế phát, nguyên nhân chủ yếu là do trẻ bị thiểu năng. Khiếm khuyết về mặt trí lực, thính lực, trở ngại tâm lý hay các bệnh liên quan đến thần kinh v.v… đều có thể dẫn đến vấn đề trẻ chậm nói.
Bố mẹ nên làm gì khi trẻ 2 tuổi chưa biết nói?
Em bé 2 tuổi chưa biết nói có sao không? Rõ ràng, dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì tình trạng trở ngại ngôn ngữ đều gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tâm sinh lý cũng như năng lực hòa nhập xã hội của trẻ. Mặc dù vậy, chỉ cần sớm phát hiện và tìm hiểu rõ nguyên nhân thì bố mẹ vẫn có thể giúp trẻ cải thiện khả năng nói chuyện một cách hiệu quả.
Trẻ 2 tuổi chưa biết nói luôn khiến người lớn lo lắng và bối rối không ngay trong cách giao tiếp với con. Lời khuyên cho bạn là không nên nóng vội, hãy kiên trì giúp trẻ điều trị thông qua ngôn ngữ hằng ngày. Bố mẹ nên thường xuyên dành thời gian dạy trẻ phát âm, bắt đầu từ những nguyên âm, từ đơn, từ kép, câu ngắn, câu dài v.v… Nếu kết hợp cả ngôn ngữ và tranh ảnh thì càng tốt.
Bên cạnh đó, khi trẻ gặp trở ngại ngôn ngữ, công tác điều trị tâm lý cũng rất quan trọng. Bởi vì khi không thể giao tiếp bình thường như những bạn cùng trang lứa, cộng với việc người lớn không thấu hiểu được nguyện vọng của trẻ thì càng dễ khiến trẻ sinh ra tâm lý sợ hãi, tự ti, khó chịu, uất ức v.v… Đây cũng là lý do mà sự động viên, cảm thông, nhẫn nại từ bố mẹ rất cần thiết cho trẻ.
Bạn không nên giới hạn không gian quá yên tĩnh đối với trẻ, cũng không thể chỉ cho trẻ những kích thích âm thanh đơn điệu qua lời nói. Trẻ con thích nhất là được nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của người xung quanh, đặc biệt là bố mẹ. Chính vì vậy, bất kể là trẻ còn đang gặp vấn đề về ngôn ngữ, hay bạn đang rất nóng lòng dạy trẻ biết nói thì việc duy trì một tâm thái tích cực, luôn mỉm cười khi nói chuyện với trẻ chính là một cách điều trị hiệu quả.
Bên cạnh đó, tạo nhiều cơ hội cho trẻ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nhất là thiên nhiên cũng là một mẹo chữa trẻ chậm nói. Khi lòng hiếu kỳ, thích khám phá được kích thích bởi vạn vật trong tự nhiên thì khả năng trẻ học nói và cải thiện các vấn đề về ngôn ngữ càng được thúc đẩy thuận lợi hơn.
Trong trường hợp trẻ bị trở ngại ngôn ngữ khá nghiêm trọng thì cần phải thông qua điều trị bằng thuốc. Bố mẹ nên sớm đưa trẻ đến gặp bác sĩ, chuyên gia có chuyên môn cao để xác định nguyên nhân cũng như mức độ chậm nói ở trẻ. Sau đó, bố mẹ cần tuân thủ theo liệu trình điều trị cũng như kết hợp với các biện pháp hỗ trợ tại nhà như trên.
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần chú ý cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ. Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết để kích thích sự phát triển não bộ cũng như các giác quan ở trẻ. Bạn cũng có thể tận dụng những bữa ăn để trò chuyện nhiều hơn với trẻ, đồng thời khuyến khích và dẫn dắt trẻ kỹ năng nhai đúng cách. Đây là cơ hội để trẻ rèn luyện cử động của lưỡi, cơ hàm, hỗ trợ cho quá trình học nói thuận lợi hơn.
Trẻ chậm nói hoặc không thể phát âm một số âm tiết đặc biệt còn có thể là vấn đề ở lưỡi
Ngoài những nguyên nhân phổ biến gây ra trở ngại ngôn ngữ ở trẻ nhỏ thì bố mẹ cũng nên cảnh giác một số trường hợp đặc biệt. Điển hình khi trẻ không thể phát âm những vần uốn lưỡi, không phát âm rõ những âm tiết đặc biệt v.v.. thì đây có thể là do lưỡi của trẻ có vấn đề.
Lưỡi của con người có rất nhiều chức năng, một trong số đó chính là tham gia vào quá trình cấu thành ngôn ngữ. Nếu cấu tạo của lưỡi xuất hiện bất thường sẽ làm hạn chế hoạt động của đầu lưỡi, ảnh hưởng đến năng lực phát âm và nói chuyện của trẻ.
Vấn đề này có thể khó phát hiện sớm khi trẻ còn quá nhỏ và chỉ bú sữa. Tuy nhiên khi trẻ bắt đầu ăn dặm hoặc đến giai đoạn lẽ ra có thể nói bập bẹ mà bố mẹ phát hiện trẻ gặp khó khăn thì nên kiểm tra lưỡi cho trẻ.
Bố mẹ có thể quan sát xem đầu lưỡi của trẻ có thể thè ra khỏi khoang miệng hay không, sau khi thè ra thì phần nhọn ở lưỡi có hiện tượng lõm vào hay không. Nếu đầu lưỡi của trẻ thậm chí không thể liếm đến môi thì khả năng trẻ gặp trở ngại ngôn ngữ càng cao. Tốt nhất bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra và có hướng điều trị tích cực.