Mẹ lên mạng tìm hiểu thấy đây là bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng cho trẻ, có thể làm con bị viêm phổi, bị bú kém, chậm lớn nên lo lắng tìm cách đổi qua nhiều loại sữa cho con, dùng thuốc men tiêu hoá cho trẻ để nhanh tiêu.
Thật sự trào ngược dạ dày thực quản có phải là một "bệnh" không và điều trị như thế nào?
Trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Khi ăn uống, thức ăn được đưa từ miệng xuống dạ dày thông qua thực quản là một cấu trúc giống như ống.
Ở phần dưới của thực quản, chỗ nối với dạ dày, có một vòng cơ tròn gọi là cơ thắt thực quản dưới, mở để thức ăn đi xuống và đóng lại để ngăn thức ăn và axit vào lại thực quản.
Đôi khi vòng cơ này không đóng hoàn toàn hoặc không mở ra đúng lúc làm cho chất lỏng và thức ăn bị trào ngược vào thực quản.
Khi trẻ sơ sinh lớn lên và góc của dạ dày và thực quản thay đổi, trào ngược sẽ giảm, hơn 50% trẻ hết trào ngược sau 10 tháng tuổi, 80% sau 18 tháng và 98% sau 2 tuổi.
Trào ngược dạ dày thực quản là một tình trạng phổ biến, xảy ra ở cả trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn khỏe mạnh. Tuy nhiên, cần hiểu rõ "trào ngược dạ dày thực quản" khác với "bệnh trào ngược dạ dày thưc quản" vì biến chứng và cách điều trị khác nhau:
- Trào ngược dạ dày thực quản: không gây biến chứng, trẻ bị trớ sữa, ọc sữa nhưng vẫn bú, ăn uống tốt, tăng cân bình thường và không bị bứt rứt khó chịu vì cơn trào ngược;
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: là khi axit trong trào ngược gây ra biến chứng: tổn thương thực quản (viêm, loét), khiến trẻ khó chịu, kích thích, ăn bú kém, thậm chí sợ bú, không tăng cân, chậm lớn hoặc các vấn đề khác như: bệnh lý hô hấp mãn tính, hen suyễn, viêm phổi tái phát …
Làm sao để nhận biết trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý?
Ở trẻ nhũ nhi, dấu hiệu gợi ý bệnh trào ngược bao gồm: không chịu bú, thường xuyên khóc hoặc cong cổ và lưng như bị đau, nôn vọt, nôn mạnh, ho khò khè thường xuyên, bú ít, sợ bú, không tăng cân.
Ở trẻ tuổi mẫu giáo: trẻ nôn hoặc thấy vị chua (axit dạ dày) ở cổ họng, nếu trẻ bị hen suyễn thì bị ho và khò khè thường xuyên, trẻ biếng ăn (vì đau khi ăn), tăng trưởng kém.
Ở trẻ lớn: buồn nôn, nôn hoặc cảm thấy vị chua ở cổ họng, ợ nóng, cảm thấy đau hoặc rát ở ngực (thấy đau ngực, có khi thấy khó thở), cảm thấy khó chịu hoặc đau khi nuốt, cơn đau bụng hoặc buồn nôn làm trẻ thức dậy vào ban đêm.
Đau thường xảy ra sau bữa ăn, cơn đau có thể làm trẻ thức giấc và nặng hơn khi bị căng thẳng hoặc khi nằm. Đau có thể kéo dài vài phút đến vài giờ.
Cần làm xét nghiệm gì để xác định bệnh trào ngược dạ dày thực quản?
Đa số bác sĩ có thể chẩn đoán dựa vào các dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản thông qua hỏi bệnh sử và thăm khám.
Hầu hết không cần làm xét nghiệm để chẩn đoán trào ngược ở trẻ nhũ nhi, trừ khi trào ngược xảy ra quá thường xuyên và gây tình trạng khó chịu cho bé, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng.
Trẻ lớn hơn bị trào ngược nhưng không có biến chứng, bác sĩ có thể hướng dẫn tư vấn thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc để điều trị thử trước làm xét nghiệm.
Nếu trẻ bị các biến chứng liên quan đến trào ngược hoặc các bệnh lý khác (ví dụ: hen suyễn, viêm phổi, tăng trưởng kém, đau hoặc nôn kéo dài, đau hoặc khó nuốt) sẽ được đề nghị làm các xét nghiệm.
Loại xét nghiệm phụ thuộc vào tuổi và triệu chứng của trẻ.
Một số xét nghiệm như:
- Siêu âm thực quản: Đánh giá số lượng luồng trào ngược, chiều dài của thực quản … là phương pháp hiệu quả và an toàn nhưng độ chính xác không cao;
- Các phương pháp khác như chụp X-Quang thực quản, nội soi thực quản…: bác sĩ sẽ chỉ định khi cần thiết.
Điều trị như thế nào?
1. Trẻ sơ sinh và <1 tuổi: bị trào ngược không biến chứng không cần điều trị, thường hướng dẫn phương pháp điều trị bảo tồn (không dùng thuốc):
- Tránh cho bú quá nhiều trong một cữ bú, giữa cữ bú có thể tạm ngưng để vỗ lưng cho bé ợ hơi, để ý cách bé bú xem ngậm nút đúng chưa vì nguy cơ bé nút nhiều hơi khi bú;
- Sau khi bú ẵm bé thẳng lên khoảng 20-30 phút trước khi đặt nằm xuống;
- Làm đặc sữa bằng công thức riêng hoặc nếu bé không có sữa mẹ thì có loại sữa dành cho trẻ bị trào ngược;
- Nếu nghi ngờ trẻ có dị ứng đạm sữa bò thì loại bỏ các thức ăn uống có sữa ra khỏi chế độ ăn của mẹ nếu trẻ bú mẹ, hoặc dùng sữa có đạm thuỷ phân nếu trẻ bú sữa công thức;
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
Nếu các triệu chứng của trẻ sơ sinh không cải thiện với điều trị bảo tồn, bác sĩ có thể phải cho trẻ dùng thuốc. Tuy nhiên, sự an toàn và hiệu quả của các loại thuốc này ở trẻ sơ sinh là khá khác nhau nên cần phải do bác sĩ chỉ định.
2. Trẻ > 1 tuổi:
Thay đổi lối sống:
- Tránh một số loại thực phẩm: caffeine, sô cô la và bạc hà vì tăng ngy cơ axit trào ngược lên thực quản; thực phẩm và đồ uống có tính axit: nước ngọt có ga, nước cam và thực phẩm cay…; thực phẩm có nhiều chất béo như: pizza, gà rán và khoai tây chiên … làm chậm việc làm rỗng dạ dày, gây ra trào ngược;
- Tư thế khi nằm: nâng đầu giường hoặc kê cao đầu khi ngủ (kê cao đầu không hiệu quả bằng, chú ý không để trẻ bị gập cổ khi nằm) có thể giúp giảm chứng ợ nóng vào ban đêm. Một số trẻ có thể giảm trào ngược khi nằm nghiêng người bên trái (giúp làm rỗng dạ dày nhanh hơn);
-Tránh nằm xuống sau khi ăn: bữa ăn nên cách khoảng 3 giờ trước khi đi ngủ. Cũng nên tránh ăn trước khi tập thể dục;
- Ở trẻ em bị dư cân, béo phì: giảm cân có thể giúp giảm trào ngược.
Điều trị thuốc:
Trẻ sẽ được uống thuốc để điều trị các triệu chứng trào ngược axit song song với việc thay đổi lối sống, thuốc thường được điều trị 2 - 4 tuần sau đó sẽ đánh giá lại.
Phẫu thuật: Phẫu thuật thường không cần thiết ở trẻ khỏe mạnh bị Bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Phẫu thuật có thể được chỉ định nếu trẻ bị biến chứng nghiêm trọng (viêm loét thực quản, viêm phổi tái phát …) do trào ngược axit mà không thể kiểm soát được bằng thuốc.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ?
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi có các dấu hiệu sau cần được đưa đi khám ngay:
- Nôn nhiều lần, nôn ra máu
- Tiêu chảy, tiêu máu
- Viêm phổi
- Chậm tăng cân
- Trẻ quấy khóc kéo dài hơn hai giờ
- Bỏ ăn, bỏ uống
- Trẻ dưới ba tháng tuổi bị nôn dữ dội sau mỗi lần bú
- Trẻ lừ đừ, cảm giác "không khoẻ"
Trẻ lớn cần đi khám khi:
- Nôn nhiều lần, đặc biệt là nếu nôn ra máu hoặc trẻ bị sụt cân
- Thường xuyên bị ợ nóng hoặc đau ở vùng giữa ngực, cổ họng
- Đau hoặc khó nuốt (ví dụ: cảm giác thức ăn bị mắc kẹt trong cổ họng)
- Các vấn đề về hô hấp như thở khò khè, ho mãn tính hoặc khàn giọng
- Viêm phổi tái phát