Người thầy đa tài
Căn phòng làm việc của thầy chủ nhiệm, Thiếu tá Trần Anh Tuấn trong Đại học PCCC luôn có bóng sinh viên ra vào. Ngoài công việc của một nhà giáo, một chiến sỹ công an, anh có thêm công việc của một… thầy lang. Từng ước mơ trở thành một lương y chữa bệnh cứu người, ngày 28-10 vừa qua, anh đã nhận được giấy mời nhập học của trường Cao đẳng Y Dược cộng đồng.
Để dần biến ước mơ thành hiện thực, Thiếu tá Trần Anh Tuấn xúc tiến học các phương pháp bấm huyệt, chữa bệnh không dùng thuốc. Học viên của anh - những cậu thanh niên trẻ trung sôi nổi đã trở thành những bệnh nhân đầu tiên. “Mỗi ngày trong sinh hoạt, tập luyện, các em rất hay gặp chấn thương như lật cổ chân, trẹo chân, đi lại khó khăn. Từ những kiến thức đã biết, tôi chủ động nghiên cứu thêm sách vở để bấm huyệt, tăng hiệu quả các bài thuốc nam để học viên, giảng viên và những người xung quanh nhanh khỏi bệnh hơn” - Thiếu tá Trần Anh Tuấn chia sẻ. Nhờ sự chịu khó, ham học hỏi, anh đã giúp rất nhiều bệnh nhân hậu Covid-19 trị chứng mất ngủ, đau đầu, khó thở, đau vai gáy… bằng phương pháp Đông y đơn giản, không tốn kém.
Trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam của trường Đại học Cảnh sát PCCC, Thiếu tá Trần Anh Tuấn đã vinh dự được nhận giấy chứng nhận Giảng viên tiêu biểu năm học 2021-2022 của nhà trường. Anh bày tỏ, trong cuộc đời đã nhận nhiều phần thưởng, có cả thư khen của Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng phần thưởng vinh danh này mang lại cho anh niềm vui, sự xúc động đặc biệt và đáng nhớ. Bởi với anh, mỗi học viên đều được coi như một người con trong gia đình. Anh vẫn thường đùa “nhà rất đông con, bọn chúng đều đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới có điều kiện về thăm bố”. Chính những người thân trong gia đình cũng phải thừa nhận, anh quý học viên như con, lo lắng từng bữa ăn giấc ngủ, nhất là những em học viên đến từ đất nước Lào hay Campuchia. Bữa cơm gia đình chẳng mấy khi được ăn sớm vì thầy chủ nhiệm còn bận bấm huyệt cho học viên, đồng nghiệp sau giờ làm việc ở trường.
Tất cả vì cộng đồng
Tôi biết Thiếu tá Trần Anh Tuấn từ 7 năm về trước. Đó là khi anh cùng CATP Hà Nội kết hợp làm chương trình mang âm nhạc đến bệnh viện. Thiếu tá Trần Anh Tuấn khi đó đang là Bí thư Đoàn trường Đại học Cảnh sát PCCC đã chia sẻ, chúng tôi muốn dùng âm nhạc để xoa dịu nỗi đau, vực dậy tinh thần cho những hoàn cảnh khó khăn, những bệnh nhân đang ngày đêm chống chọi với những căn bệnh hiểm nghèo. Chương trình mang âm nhạc đến bệnh viện đã mang lại những cảm xúc khác nhau, có niềm vui và cả những giọt nước mắt. Dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Trần Anh Tuấn, mỗi người đều có công việc riêng khá bận rộn nhưng cứ có “lệnh” là những chiến sỹ công an gác lại tất cả, khoác đàn lên vai và… lên đường. Từ thời điểm ấy, tôi bắt đầu dõi theo hành trình của anh. Nào là bán chổi giúp cặp vợ chồng khiếm thị, nào là dạy guitar cho các em học sinh trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, nào là nấu dầu dừa để có nguồn kinh phí xây dựng các điểm trường vùng cao…
Chia sẻ về những công việc lặng thầm nhưng vô cùng ý nghĩa của mình, Thiếu tá Trần Anh Tuấn cho biết, tất cả những việc anh đã, đang và sẽ làm xuất phát từ tấm lòng, tâm huyết của bản thân. Và anh sẽ duy trì, cố gắng một cách thật thiết thực để mọi người thấy được những năng lượng tích cực, cảm nhận được cuộc sống đầy tốt đẹp. Bên cạnh đó, anh cũng sẽ hướng dẫn cho các đoàn viên, sinh viên kỹ năng ứng xử, giao tiếp, giúp đỡ những người yếu thế đang gặp khó khăn trong cuộc sống, nhằm khơi gợi, xây dựng, phát huy truyền thống “tương thân tương ái, vì nhân dân phục vụ” trong nhà trường. Mục đích cuối cùng của anh là xây dựng thật nhiều hình ảnh đẹp của chiến sĩ công an trong mắt nhân dân.
Theo Thiếu tá Trần Anh Tuấn, trong áp lực của cơ chế thị trường, không phải ai cũng làm thiện nguyện đúng mục đích. Thực tế, nhiều người làm thiện nguyện không khoa học, không chuẩn mực rất dễ sai sót, vì thế anh luôn luôn nhắc mình phải hết sức cẩn thận. Như hoạt động mang âm nhạc đến bệnh viện, anh phải vào từng khoa, phòng, tìm hiểu xem có bao nhiêu bệnh nhân, tương đương bao nhiêu suất quà, sau đó mới huy động, vận động các nhà tài trợ. Ai ủng hộ ghi tên họ luôn trên phong bì, thậm chí mời họ đến trao trực tiếp cho bệnh nhân. Vì các khoản chi tiêu đều công khai, minh bạch, đúng đối tượng nên rất nhiều người hưởng ứng, ủng hộ. Có người còn rủ cả con, cháu tham gia nhằm giáo dục và lan tỏa truyền thống nhân văn tốt đẹp này cho cả gia đình, dòng họ…
Một thầy giáo công an toàn diện, đó là những điều mà nhiều người cảm nhận được về Thiếu tá Trần Anh Tuấn - một người thầy có tấm lòng thiện lương, nhân ái, ham học hỏi, hết lòng vì học viên và cộng đồng.