Phụ Nữ Sức Khỏe

TP.HCM: Có thể xuất hiện nhiều ca bệnh tay chân miệng nặng và tử vong

Tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa, có thể diễn tiến nặng nhanh đe dọa tính mạng, do đó người dân, đặc biệt là các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh.

Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, điều trị cho nhiều trẻ em mắc bệnh tay chân miệng. (Ảnh: TTXVN phát)

Trước diễn biến số ca mắc tăng nhanh trong những tuần gần đây cùng với sự xuất hiện trở lại của Enterovirus 71 genotype B5, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh dự báo, trong thời gian tới trên địa bàn sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh tay chân miệng nặng và tử vong nếu không tích cực triển khai các giải pháp phòng chống dịch và điều trị hiệu quả.

Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng trên địa bàn thành phố theo ba kịch bản ứng phó với các trường hợp nặng (từ độ 2a trở lên, ước tính chiếm khoảng 10% ca bệnh nội trú).

Tình huống thứ nhất, dự kiến khi có dưới 50 ca nhập viện mới/ngày, dưới 200 ca đang điều trị nội trú và dưới 20 ca nặng tại các bệnh viện. Theo đó, tổng quy mô giường bệnh điều trị tay chân miệng trong tình huống này là hơn 200 giường, với 30 giường phục vụ hồi sức tích cực, các bệnh nhi được ưu tiên tập trung điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi của thành phố gồm Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bênh viện Nhi đồng thành phố.

Tình huống thứ hai là khi số ca nhập viện mới mỗi ngày tăng từ 50-100 ca, hệ thống y tế phục vụ 200-700 ca đang điều trị nội trú và 20-70 ca chuyển nặng tại các bệnh viện. Lúc này, tổng số giường điều trị tay chân miệng sẽ cần 700 giường, trong đó có 80 giường hồi sức tích cực. Ngoài 3 bệnh viện chuyên khoa nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới được huy động thêm để thu dung điều trị.

Tình huống thứ ba dự kiến được triển khai khi thành phố có từ 100-200 ca tay chân miệng nhập viện mới mỗi ngày và các cơ sở y tế có 700-1.400 ca điều trị nội trú với khoảng 70-140 ca nặng tại các bệnh viện. Tổng số giường điều trị cần chuẩn bị là 1.400 giường với khoảng 150 giường hồi sức tích cực. Các bệnh nhi nặng điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới; đồng thời hệ thống điều trị thực hiện quy trình phân loại bệnh nhi điều trị ngoại trú và nội trú, phân tuyến điều trị nhằm tránh quá tải cục bộ tại bệnh viện tuyến cuối và hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

Theo báo cáo của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến hết tuần 23 (5/6-11/6), toàn khu vực phía Nam ghi nhận 9.028 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 4 ca tử vong với chẩn đoán tay chân miệng độ 4 và có xét nghiệm Enterovirus 71 (EV71) dương tính. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2023 đến nay, có 2.407 ca mắc tay chân miệng, chưa ghi nhận ca tử vong.

Về công tác thu dung, điều trị, tính từ đầu năm đến nay tổng cộng đã có 936 ca tay chân miệng điều trị nội trú tại các bệnh viện của Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có 46 ca nặng, có 4 trường hợp tử vong (là các bệnh nhi nặng chuyển từ các tỉnh về).

Các bệnh viện trên địa bàn đang điều trị nội trú cho 147 ca, đều là trẻ dưới 6 tuổi. Trong đó, có 18 trẻ tay chân miệng nặng đang điều trị tại các khoa hồi sức tích cực của 3 bệnh viện nhi đồng, 14 trường hợp trong số này đang trong tình trạng nguy kịch phải thở máy, 1 ca lọc máu.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa, có thể diễn tiến nặng nhanh đe dọa tính mạng, do đó người dân, đặc biệt là các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất. Theo dõi sát khi trẻ bệnh để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng như giật mình, sốt cao liên tục, quấy khóc liên tục, mạch nhanh, nổi bông tím, yếu tay chân.

Khám bệnh tay chân miệng cho trẻ em. (Ảnh: TTXVN phát)

Trước đó, ngày 12/6, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; y tế các bộ, ngành về việc tăng cường công tác điều trị bệnh tay chân miệng.

Để hạn chế đến mức thấp nhất số tử vong do bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn; kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh tay chân miệng.

Bên cạnh đó, các cơ sở điều trị tăng cường công tác theo dõi người bệnh tay chân miệng đang nằm nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời khi ca bệnh có diễn biến nặng lên; ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết; phát hiện sớm, tổ chức hội chẩn và chuyển tuyến kịp thời khi người bệnh có diễn biến bất thường.

Mặt khác, các sở y tế chỉ đạo, kiểm tra và giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc thu dung, điều trị người bệnh theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng ban hành kèm theo Quyết định số 1003/QĐ-BYT ngày 30/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế và tham khảo các nội dung chuyên môn tại Cẩm nang chẩn đoán và xử trí bệnh tay chân miệng ở trẻ em của Bộ Y tế.

Ngoài ra, các đơn vị cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện, phân tuyến điều trị, tổ chức sàng lọc, phân loại người bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú theo lưu đồ xử trí bệnh tay chân miệng và củng cố nguồn lực cho đơn vị hồi sức bệnh tay chân miệng ở tuyến tỉnh.

Bộ Y tế đề nghị các sở y tế tham mưu và trình ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng: công tác truyền thông, bảo đảm đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất và vật tư y tế cần thiết để đáp ứng yêu cầu điều trị./.

Theo Đinh Hằng/Vietnam+

Tin liên quan

Bác sĩ cảnh báo nguy cơ biến chứng tim mạch khi trời nắng nóng

Tiếp xúc với nhiệt độ cao không chỉ làm tăng nguy cơ kiệt sức và đột quỵ do nhiệt, chúng...

Nhiều tỉnh Nam Trung Bộ có ca mắc sốt xuất huyết, phụ huynh dạy con cách diệt muỗi phòng bệnh

Nhiều tỉnh ở khu vực Nam Trung Bộ như Khánh Hòa, Bình Định…có các ca mắc sốt xuất huyết tăng...

Ho nhiều tháng không khỏi, đi khám mới phát hiện mắc ung thư phổi

Ung thư phổi là một trong những bệnh lý ác tính có số người mắc và tử vong hàng đầu...

Loại virus tồn tại trong cơ thể mà ít người biết đến

CMV (cytomegalovirus) là loại virus ít người biết đến. Tuy nhiên, nó phổ biến trên toàn thế giới và hơn...

Đi nắng về tuyệt đối không làm điều này

Đi trên đường hoặc làm việc ngoài trời nắng nóng trở về nhà chúng ta cần lưu ý tới những...

Loại vi khuẩn có trong đất, nước gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bác sĩ chỉ cách phòng ngừa

Whitmore được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ...

Phát hiện ung thư đại tràng từ dấu hiệu nhiều người mắc nhưng dễ bỏ qua

Người đàn ông đau bụng quanh rốn khoảng nửa năm nay, kèm rối loạn đại tiện, đi ngoài lúc táo,...

Tin mới nhất

Ăn gì để da trắng hồng hào và tự nhiên, bạn đã biết chưa?

1 giờ trước

Ăn gì mau lành vết thương sau mổ và phục hồi nhanh chóng?

1 giờ trước

Bật mí cách làm giò heo nấu đậu thơm ngon bổ dưỡng cho bà bầu

1 giờ trước

Cách làm sữa chua phô mai dẻo ngon trọn vị

1 giờ trước

Điều gì xảy ra với cơ thể khi bạn ăn một đĩa rau trước bữa cơm?

6 giờ trước

Loại quả xưa không ai ngó ngàng, giờ làm thành món đặc sản đắt khách dịp Tết, chị em thành...

8 giờ trước

Loại quả xưa không ai ngó ngàng, giờ thành món đặc sản dân thành phố "ưa chuộng", hương vị lạ...

8 giờ trước

Đặc sản chỉ có ở Kiên Giang, xưa không ai ăn nay dân thành phố "săn lùng" về thưởng thức,...

8 giờ trước

Rước họa vì ăn phải cá biển ướp hóa chất: Hướng dẫn cách chọn cá thơm ngon, không tẩm ure...

11 giờ trước

Tin Phụ Nữ Và Gia Đình