Tắt hẳn tình yêu
Chị Nguyễn Thị Tuyết (Thanh Hà, Hải Dương) phát hiện ung thư tử cung từ năm 29 tuổi. 10 năm nay, cuộc sống của chị chuyển sang một trang mới khi đời sống vợ chồng trở nên khó khăn. Vợ chồng chị ly hôn. Đơn giản, chị cảm thấy không thể đi cùng chồng đến hết con đường bởi giữa họ không có hòa hợp tình dục.
Chị Tuyết bị ung thư cổ tử cung và phải cắt bỏ tử cung cùng hai bên buồng trứng. Cùng với quá trình điều trị bệnh, thời gian đầu chị không thể quan hệ tình dục. Sau này, vì muốn chiều chồng nên chị cố nhưng sự cố gắng của chị trở thành nỗi khiếp sợ với chính mình. Chị Tuyết sợ mỗi lần ân ái. Chị tìm cách từ chối chồng và dần dần mỗi ngày hai vợ chồng chị dần xa nhau.
Chồng chị Tuyết tìm được một người đàn bà khác, họ có thể chia sẻ với anh cả về tình cảm, tình dục và kinh tế. Chị Tuyết âm thầm ly hôn và chỉ xin nuôi đứa con trai duy nhất của họ.
Bi kịch như của chị Tuyết không phải là hiếm với những người phụ nữ không may mắc ung thư, nhất là ung thư phụ khoa.
BS CKII Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết những nghiên cứu gần đây trên thế giới cho thấy có khoảng 30% đến 63% bệnh nhân ung thư cổ tử cung có vấn đề về tình dục sau khi điều trị khỏi bệnh.
Tại khoa Ngoại Ung thư Phụ khoa, một khảo sát cắt ngang trên 50 bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn I-IIA (đã điều trị khỏi bệnh từ một năm trở lên) có độ tuổi từ 27-70, trung bình là 48 tuổi, bao gồm 34 người còn kinh và 16 người đã mãn kinh, cho thấy: Có đến 52% bệnh nhân ung thư cổ tử cung không tiếp tục quan hệ tình dục sau khi khỏi bệnh.
Trong khi đó, đời sống tình dục chính là cầu nối cho hạnh phúc gia đình. Bác sĩ Tiến gặp rất nhiều bệnh nhân chia sẻ những hoàn cảnh thương tâm, đau buồn. Nhiều chị em tâm sự sau khi mổ ung thư phụ khoa: chồng ly dị, xa lánh, có bồ, vị hôn phu từ chối đám cưới, người yêu ngoảnh mặt làm ngơ... Và đôi khi người phụ nữ đi đến tuyệt vọng, không màng đến điều trị thậm chí quyên sinh...
Cần làm gì sau khi điều trị ung thư phụ khoa?
Bác sĩ Tiến cho rằng các bác sĩ cũng cần quan tâm tới người bệnh đánh giá về vấn đề tình dục nên thực hiện trước và sau điều trị ung thư phụ khoa. Những yếu tố nguy cơ, loại phẫu thuật, tình trạng mãn kinh, thuốc, trầm cảm và các bệnh lý nội khoa khác cũng cần được các chuyên gia y tế thu thập và xem xét.
Kế đó, thăm khám lâm sàng, các xét nghiệm cận lâm sàng được chỉ định phù hợp. Sự trao đổi cởi mở giữa bệnh nhân và bác sĩ không thể thiếu.
Với người bệnh, nên trao đổi với nhân viên y tế về tình dục cũng như “đối tác” những gì bản thân biết và cảm nhận, bày tỏ mong muốn của bản thân với đối phương, hướng dẫn đối phương phương cách, tư thế giúp bản thân cảm thấy thoải mái nhất và giảm đau đớn.
Bác sĩ Tiến cho rằng người bệnh đừng từ chối chính mình khi vẻ bề ngoài có sự thay đổi. Đây là cơ hội giúp bản thân học cách cho và nhận, không chỉ là quan hệ chăn gối mà còn rất nhiều tình cảm gắn bó, sẻ chia, sự chân thành của bạn tình, bạn đời, của con cái hay người thân trong gia đình…
Nói chuyện với bác sĩ, điều dưỡng, hoặc bất kì thành viên trong các tổ chức liên quan đến hoạt động chăm sóc sức khỏe, tìm hiểu thấu đáo sự ảnh hưởng của việc điều trị ung thư lên đời sống chăn gối. Bạn có thể lên kế hoạch từ từ tiếp nhận các thông tin này. Nếu bản thân người bệnh quá e ngại khi bày tỏ, bản thân sẽ không bao giờ thoát khỏi sự sợ hãi.
Sự vuốt ve, âu yếm thường đem lại những trải nghiệm dễ chịu. Không cần biết phương tiện điều trị ung thư như thế nào, sự vuốt ve, ôm hôn luôn có ý nghĩa nhất định trong cuộc sống vợ chồng. Ăn uống và tập thể dục để giữ cơ thể và tinh thần của bạn luôn mạnh mẽ. Các bài tập thư giãn, các chuyên gia dinh dưỡng sẽ hỗ trợ bệnh nhân ung thư phụ khoa nói riêng và bệnh nhân ung thư nói chung giải tỏa căng thẳng.
Đối với nhân viên y tế tư vấn cho bệnh nhân, thời điểm thích hợp nhất có thể trước khi điều trị, bệnh nhân được trao đổi về cách thức điều trị và cho bệnh nhân có thời gian tiếp nhận sự thay đổi trong cơ thể và thời điểm lúc bệnh nhân xuất viện. Khi đó, bệnh nhân vừa trải qua xong một thời gian dài điều trị bệnh với nhiều lo lắng và căng thẳng, bệnh nhân đang rất vui mừng vì đã khỏi bệnh và được xuất viện để trở về với cuộc sống bình thường.
Mặc dầu vô vàn những khó khăn gây trở ngại quan hệ tình dục sau điều trị ung thư phụ khoa. Tuy nhiên có thể cải thiện hoàn toàn sau một thời gian “ kiên trì”.
Nên nhớ rằng âm đạo là mô đàn hồi co giãn và kéo dài, những mảng thần kinh cảm giác tập trung hầu hết ở bộ phận sinh dục ngoài. Và chính sự đồng cảm, vuốt ve thương yêu chăm sóc... sẽ đem lại sự thăng hoa cho người bệnh gần như thưở ban đầu.