Một nghiên cứu cho thấy tập thể dục có thể làm tăng hiệu quả điều trị ung thư và tăng tỷ lệ sống.
Các nhà nghiên cứu tại Trường Y Grossman NYU phát hiện ra rằng tốc độ hình thành ung thư đã giảm 50% khi cho chuột tập thể dục 5 lần một tuần và 30 phút mỗi lần. Một nghiên cứu khác trên chuột chạy trên máy chạy bộ thường xuyên trong ba tuần cho thấy khối u giảm 25% trọng lượng.
Việc tạo ra adrenaline thông qua tập thể dục khiến cơ thể tạo ra nhiều protein gọi là Interleukin-15 (IL-15), điều đó chứng minh là làm tăng khả năng tấn công và tiêu diệt tế bào ung thư tuyến tụy của tế bào T CD8 - một tế bào của hệ thống miễn dịch.
Dựa trên kết quả của nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã phân tích kết quả của một thử nghiệm lâm sàng trên 75 bệnh nhân ung thư tuyến tụy vào năm 2017. Các bệnh nhân thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh như tập hình thể, tập tạ và yoga 30 phút hai lần một tuần và đi bộ nhanh 30 phút ít nhất ba lần một tuần. Những người tham gia đã tập thể dục trong 6 tuần trước khi tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối ung thư.
Chuyên gia nghiên cứu về ung thư, Tiến sĩ Emma Kurz cho biết: “Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên cho thấy tập thể dục ảnh hưởng đến môi trường miễn dịch trong các khối u tuyến tụy như thế nào”.
Phương pháp điều trị duy nhất có thể mong đợi để chữa khỏi hoàn toàn ung thư tuyến tụy là phẫu thuật. Tuy nhiên, khoảng 10% bệnh nhân có thể phẫu thuật. Ung thư tuyến tụy thường được phát hiện sau khi khối u đã di căn qua các bộ phận khác trên cơ thể.
Giáo sư Daphne Bar-Sagi - một chuyên gia hóa sinh và một tác giả khác cho biết kết quả nghiên cứu cho thấy "việc tập thể dục nhẹ có thể thay đổi đáng kể môi trường của khối u cho thấy tiềm năng của cách tiếp cận này trong việc điều trị cho bệnh nhân không có nhiều lựa chọn và gánh nặng bệnh tật nặng nề".
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên Cancer Cell - một tạp chí khoa học nghiên cứu về ung thư.