Biến chứng ở mổ sinh
Ngày 30/4/2019, sản phụ Nguyễn Thị H. (36 tuổi, trú tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh chờ sinh vì có dấu hiệu chuyển dạ. Chị H. mang thai con thứ ba.
Trong khi chờ sinh đến chiều, sản phụ có dấu hiệu lơ mơ, truỵ mạch nên được đưa vào mổ cấp cứu. Sau mổ, bệnh nhân phải thở máy nhưng tình trạng xấu đi khi huyết áp tụt, tử cung chảy máu loãng kèm theo chảy cả máu mũi.
Bác sĩ nghi ngờ thuyên tắc ối và đã có chỉ định phẫu thuật cắt tử cung. Tuy nhiên, trong hồi sức bệnh nhân hai lần ngừng tuần hoàn và đến 17 giờ 20 ngày 30/4 bệnh nhân tử vong.
Các bác sĩ cho biết chị H. bị biến chứng thuyên tắc ối. Đây là một trong 5 biến chứng sản khoa vô cùng nguy hiểm ngay cả với các bệnh viện đầu ngành đôi khi cũng bó tay nếu gặp biến chứng này.
Theo ghi nhận tại các bệnh viện, thuyên tắc ối có thể xảy ra với bất cứ sản phụ nào mổ sinh và không có tiền sử, dấu hiệu nào báo trước.
Trường hợp của sản phụ H.T.T.D., (quê Long An) đến Bệnh viện Hùng Vương theo dõi chờ sinh con so, song thai 36 tuần 6 ngày thụ tinh trong ống nghiệm. Sản phụ được đưa vào phòng mổ sinh lúc 8 giờ 45 phút cùng ngày. Sau khi mổ lấy thai (bé gái cân nặng 2.800 gram, bé trai nặng 2.700 gram), thực hiện sổ nhau thì mẹ co giật, tím tái, khó thở, ngưng tim.
Nhận biết đây là biến chứng thuyên tắc ối trong sản khoa, các bác sĩ đã nhanh chóng báo động đỏ toàn viện và liên viện để hồi sức cấp cứu sản phụ.
Với trường hợp này, nếu không cấp cứu kịp thời, sản phụ sẽ nhanh chóng hôn mê, ngừng tuần hoàn, suy đa tạng và tử vong.
Chị D. được hỗ trợ cấp cứu liên viện và sau hơn 1 tiếng hồi sức tích cực đã được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để tiếp tục theo dõi cấp cứu. Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, suy đa tạng. Gần một ngày hồi sức tích cực, tình trạng bệnh nhân dần ổn định hơn.
Sản phụ rơi vào nguy hiểm
Theo Tiến sĩ Bác sĩ sản khoa Nguyễn Hữu Trung, Giảng viên trường đại học Y Dược TP.HCM, thuyên tắc ối là một trong 5 biến chứng sản khoa nguy hiểm ở bất cứ ca mổ đẻ nào. Thuyên tắc ối thường xảy ra ở cuối cuộc mổ đẻ.
Thuyên tắc ối khiến sản phụ nhanh chóng hôn mê, ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp và tử vong.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng biến chứng này có tỷ lệ giao động từ khoảng 1/8000 đến 1/80.000 sản phụ nhưng tỷ lệ tử vong lên tới 50 %. Đến nay nhờ có hồi sức tích cực tốt tỷ lệ tử vong mới giảm còn trước kia, thuyên tắc ối tỷ lệ tử vong lên tới 90%. Đây vẫn là biến chứng đáng sợ nhất trong sản khoa.
Nguyên nhân của thuyên tắc ối do tế bào của thai nhi như tóc, phân su, dịch ối... đi vào hệ tuần hoàn người mẹ gây phản ứng dị ứng, sốc phản vệ.
Các điều kiện gây ra thuyên tắc ối đó là vỡ màng ối khiến cho nước ối đi vào các tĩnh mạch ở cổ tử cung, đi vào tuần hoàn máu của mẹ. Bình thường, dịch ối vỡ ra chảy ra ngoài nhưng có trường hợp nước ối lạc chỗ đi vào tuần hoàn của người mẹ.
Các trường hợp vỡ tĩnh mạch của tử cung hay cổ tử cung và áp lực buồng tử cung cao hơn áp lực tĩnh mạch mẹ cũng khiến cho dịch ối xâm nhập vào tuần hoàn gây thuyên tắc ối.
Bác sĩ Trung cho biết các dấu hiệu của thuyên tắc ối là sản phụ tím tái, khó thở, ngưng thở Sp02 nhỏ hơn hoặc bằng 90%; ngưng tim, mạch nhanh, nhẹ, huyết áp tụt, chảy máu không có cục máu đông.
Nhiều ca mổ sinh, các bác sĩ chứng kiến sản phụ chỉ kịp nhìn mặt con rồi nhanh chóng tím tới rơi vào hôn mê dù trước đó hoàn toàn bình thường, có thể nói chuyện được.
Khi có các dấu hiệu của thuyên tắc ối, được xếp vào cấp cứu “đỏ”, nhiều bệnh viện đã thành lập quy trình đỏ cấp cứu nội viện hoặc liên viện để hồi sức tích cực cứu sản phụ bởi vì diễn biến thuyên tắc ối thường xảy ra rất nhanh. Thuyên tắc ối vô cùng “ác tính” và lại không thể dự phòng được.